Xuân mới, niềm vui mới

24/01/2023 | 07:57 GMT+7

/uploads/Audio/News/2023/01/24/080406XUAN MOI NIEM VUI MOI.mp3

Những ngày này, người dân háo hức đón chào một mùa xuân mới. Riêng với những hộ thoát nghèo, xuân này thật sự nhân lên nhiều niềm vui và niềm tin...

Bà Phượng vui mừng khi cuộc sống ổn định.

Tròn niềm vui

Những ngày cuối năm, dẫu bận rộn nhiều công việc cơ quan, nhưng ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tranh thủ thời gian đến thăm những hộ vừa mới thoát nghèo trên địa bàn, để thăm hỏi xem cuộc sống của bà con ra sao, đón xuân này thế nào. Ông Thâm cho biết: “Năm nay, thị trấn phấn đấu giảm 18 hộ nghèo. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và quyết tâm của người dân”.

Ông đến thăm gia đình anh Trần Văn Đạo, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau. Ông Thâm thông tin: “Trước đây, gia đình anh Đạo là hộ nghèo có thâm niên ở địa phương, năm nay thoát nghèo rồi. Giờ anh cất nhà tường khang trang rồi còn làm vườn nữa, kinh tế ổn định”.

Đang bón phân cho vườn mít, thoáng thấy có khách, anh Đạo liền ngừng công việc, hồ hởi: “Hổm rày, tôi tranh thủ chăm bón cho mớ mít này, để tết còn đi thăm bà con họ hàng nữa”. Vào trong nhà, mọi người cảm nhận rõ hơn sự sung túc của gia đình. Căn nhà mới còn nồng mùi thơm được quét dọn sạch đẹp, các vật dụng được bài trí gọn gàng. “Thấy cuộc sống gia đình anh cải thiện được vậy, chính quyền địa phương mừng lắm”, ông Thâm nói. Mời khách ly trà nóng, anh Đạo cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương và mọi người quan tâm, giúp đỡ, gia đình tôi mới đỡ vất vả. Đợt rồi được mượn vốn không tính lãi, tôi mua phân bón cho vườn mít. Kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào vườn mít hết, ráng mà o bế cho nó. Thoát được cái nghèo không còn niềm vui nào cho bằng”.

Nhìn ra mấy cây mít bên hông nhà, anh Đạo kể, hồi trước cũng đi làm nhưng thất bại, cái nghèo mãi đeo miết. Được sự động viên, giúp đỡ của địa phương, anh càng quyết tâm thoát nghèo. Ngoài trồng vườn, tận dụng ao mương xung quanh nhà, anh thả nuôi cá tai tượng, cá lóc, cá trê, cá tra.

Vườn mít, ao cá được anh chăm chút cẩn thận. Đất không phụ lòng người, giờ đây kinh tế gia đình đã được cải thiện và có hướng phát triển. Chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc, nhà anh Đạo chuẩn bị mọi thứ tươm tất, thêm mấy cây mai chớm nụ.

Rời nhà anh Đạo, đến nhà bà Trần Thị Phượng, ở ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh - một trong những hộ không ngừng nỗ lực vươn lên trên mặt trận giảm nghèo và thu được “quả ngọt” vào cuối năm 2022. Trên con đường dẫn vào nhà bà Phượng, chúng tôi cảm nhận được “Nàng xuân” đang đến thật gần. Các em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo mới, một vài cô bác đang gói bánh tét để cúng ông bà trong những ngày xuân về tết đến.

 

Anh Đạo mong mô hình trồng mít giúp kinh tế gia đình phát triển.

Hơn hẳn mấy xuân qua

Sắp đến nhà bà Phượng, ông Nguyễn Thiện Khiêm, công chức xã Văn hóa - Xã hội UBND xã Vị Tân, chia sẻ: “Trước đây, gia đình chị Phượng là hộ nghèo, rồi cận nghèo, nhưng cuối năm nay thì hết rồi. Sau bao năm vượt khó, gia đình đã tạo lập được cuộc sống mới”.

Đúng như lời giới thiệu của ông Khiêm, căn nhà tường khang trang, rộng rãi là minh chứng rõ nét. Bà Phượng vui vẻ cho biết: “Nhà mới cất xong khoảng 3 tháng nay. Hồi trước khó khăn nhà cửa lụp xụp, mỗi lần đám tiệc hoặc đến tết lại thấy lo. Giờ nhà cửa đàng hoàng, kinh tế cũng ổn định, thiệt còn mừng nào cho bằng. Vui nhất là hai đứa cháu ngoại, cứ chạy giỡn suốt”.

Nghe ngoại nhắc tới mình, bé Nguyễn Hoàng Minh Khôi (7 tuổi, cháu ngoại của bà Phượng) liền khoe: “Cô ơi, năm nay bà ngoại con cất nhà mới, đẹp lắm, rồi ngoại còn mua nhiều quần áo mới cho con và anh Hai nữa”. 

Niềm vui của đứa trẻ đã nói lên sự sung túc của gia đình. Nhớ lại những tháng ngày vất vả khi xưa, bà Phượng kể, hồi đó nhà có đất ruộng mà đất phèn nặng trồng cây gì cũng thất bát, có năm trồng khóm, bị nước ngập chết hết. Rồi cuộc sống càng khó khăn hơn khi chồng bà bị bệnh qua đời, lúc đó người con gái út mới 8 tuổi đầu. Từ đó, một mình bà vất vả làm lụng để lo cho 3 đứa con thơ, cuộc sống cứ lẩn quẩn trong cái vòng ăn trước trả sau. Những năm gần đây, đời sống gia đình dần cải thiện, khi vợ chồng người con gái lớn và người con gái thứ ba có việc làm ổn định, rồi còn được địa phương hỗ trợ mô hình chăn nuôi.

“Năm trước, địa phương hỗ trợ 3 con dê, nay được nhiêu con rồi chị?”, ông Khiêm hỏi. “Tính luôn dê bố mẹ, giờ được 12 con rồi. Tôi dự định, những đợt dê sinh sản kế tiếp sẽ để lại nuôi toàn bộ. Qua tết, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích chuồng nuôi”, bà Phượng chia sẻ.

Sau bao năm cố gắng, giờ đây, cuộc sống gia đình bà Phượng đã bước sang trang mới, khi cái nghèo khó đã qua đi, thay vào đó là sự ổn định, sung túc.

​​​​​​​

Từ 3 con dê hỗ trợ ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình bà Phượng đã tăng lên 12 con. Mô hình giúp bà vững niềm tin thoát nghèo bền vững.

Trên chặng đường giảm nghèo, ngoài thực hiện đúng, đủ các chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo, các huyện, thị xã, thành phố chú trọng khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân. Bởi chỉ khi nào người dân chủ động vươn lên, tránh tư tưởng ỷ lại thì thoát nghèo mới bền vững. Nhờ tuyên truyền sâu rộng, giờ đây, cách nghĩ, cách làm của hộ nghèo đã thay đổi theo hướng tích cực; người dân tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của địa phương, thực hiện mô hình làm ăn phù hợp. Nhờ vậy, thu được nhiều “quả ngọt”.

Nếu như năm 2004, tỉnh Hậu Giang được thành lập, tỷ lệ hộ nghèo gần 24%, đến năm 2012 là 18,2%, qua kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo, cận nghèo vào cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,99%. Để tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Một trong những giải pháp giảm nghèo được tỉnh đặt ra là trao cần câu thay vì cho con cá, trong đó chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Từ đó, giúp người dân chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất, thực hiện mô hình để giảm nghèo bền vững, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau...”.

Hơi ấm mùa xuân đã len lỏi từng căn nhà, xóm ấp, làng quê. Mùa xuân mới này, ai nấy đều hy vọng sẽ mang nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc và đặc biệt là nhiều kết quả nổi bật trên mặt trận giảm nghèo!

Đầu năm 2012, toàn tỉnh có 34.935 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,2%, qua kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo, cận nghèo vào cuối năm 2022, toàn tỉnh có 10.035 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,99%. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới trên 4.400 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng 2.811 căn nhà theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập trên 105.000 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; cấp tiền điện trên 166.900 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội...

 

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>