Vợ chồng già 38 ngày đi xe máy xuyên Việt: “Tôi đi để thực hiện ước mơ”

26/01/2023 | 10:43 GMT+7

/uploads/Audio/News/2023/01/26/104618Bao xuan Vo chong gia 38 ngay di xe may xuyen Viet - Hoang Nguyen Bao Xuan.mp3

Ông đã bước qua tuổi 60, còn bà hơn 58, từ Hậu Giang, hai vợ chồng già đèo nhau trên xe máy, hơn 1,5 tháng đi qua biết bao nhiêu cung đường đẹp của đất nước, đến những nơi xa xôi nhất.  Ông là Trần Viết Trung và vợ Bùi Thị Loan, ở ấp Nhất A, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp.

Cả hai chụp hình tại cột mốc đến địa phận tỉnh Hà Giang.

Đầu xuân, hãy nghe ông tự kể câu chuyện về hành trình nhiều lý thú, có 1 không 2 của cuộc đời mình...

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, từ nhỏ sống trong cảnh khốn khó nên ấp ủ nhiều mơ ước: Ước mơ được đi học đại học, xây được căn nhà đàng hoàng, có “mái ấm và những đứa trẻ”, và ước mơ lớn nhất là được đi khắp đất nước bằng... xe máy.

Có những ước mơ tôi đã thực hiện được, có những ước mơ con tôi viết tiếp cho ba mẹ. Chỉ riêng ước mơ được đi xuyên Việt bằng xe máy với người bạn đời của mình, tôi ấp ủ mấy mươi năm nay.

Cách nay vài năm, tôi nói với vợ: “Ở tuổi 60, nếu không đi chắc không còn nhiều cơ hội...”. Vợ tôi hướng nội nên luôn muốn mọi sự chu toàn mới lên đường, cứ chần chừ. Hai con không phản đối nhưng không ủng hộ vì sợ. Tôi thì khác, thích khám phá từ nhỏ nên thuyết phục vợ đây là “thời điểm vàng” để có một chuyến đi dài. Vợ tôi chấp nhận đi vì tình yêu thương và tôn trọng chồng, chứ ban đầu không mấy mặn mà, nhưng càng đi “nàng ấy” càng nhiệt tình, cứ muốn đi tiếp, điều đó đã tiếp thêm động lực cho tôi chinh phục hành trình dài…

Cuộc sống cơm áo gạo tiền cứ cuốn tôi với công việc, đi làm xa nhà thường xuyên, nên chuyện nuôi dưỡng con đặt nặng lên vai bà xã. Sự gần gũi và hiểu nhau của vợ con với tôi ít nhiều có khoảng cách nhất định. Vì thế, chuyến đi là cách để tôi thể hiện bản lĩnh với “nóc nhà” và các con của mình.

Tôi không đi để mưu cầu nổi tiếng, càng không đi để làm màu, thể hiện điều gì cả. Tôi đi chỉ đơn giản là thực hiện ước mơ của đời mình.

Từ Hậu Giang đến địa đầu Tổ quốc ở Hà Giang, tôi đi gần 8.000km qua gần 40 tỉnh, thành, tổng cộng 38 ngày, xuất phát từ 6-11 đến 13-12 thì “về đích”. Con số này với một người chạy xe máy không lớn, nhưng với hơn 1,5 tháng rong ruổi là kỳ tích của bản thân tôi. Vì thích khám phá nên vợ chồng tôi chỉ đi các tuyến đường quốc lộ băng qua rừng, đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh và đường ven biển, ngắm cảnh quan hùng vĩ của non sông đất nước. Càng đi càng thích, càng thấy tự hào về đất nước của chúng ta, có quá nhiều cảnh đẹp.

Tôi đã đi từ đồng bằng phẳng lì đến dốc đèo, có những cung đường chưa một lần biết đến, đi từ Hồ Trị An mênh mang sông nước, đến Bảo Lộc nên thơ, Pleiku ấm áp tình cảm với buôn làng với tiếng cồng chiêng rộn ràng, qua Quảng Bình, Quảng Trị đầy cát trắng nắng cháy, đến Nghệ An tự hào quê Bác, ra Hà Nội đất văn hiến ngàn năm, tới Điện Biên Phủ lưu dấu nơi đây những chiến tích oai hùng, lên Sapa nép mình trong sương trắng, rồi “leo đèo núi” đến với Đồng Văn, Mèo Vạc vừa nên thơ vừa hun hút ngỡ ngàng, sang đến Đồng Đăng còn dấu xưa nàng Tô Thị... mỗi nơi đi qua là một trải nghiệm rất lạ, không thể nào quên được.

Trong hành trình trở về, tôi đi dọc theo đường bờ biển, băng qua các bãi biển Hải Bình, Thanh Hóa; Cửa Lò, Nghệ An; Gio Hải, Cửa Việt của Quảng Trị; Cà Ná, Ninh Thuận và nhiều bãi biển khác được công nhận đẹp nhất thế giới dọc miền Trung thân yêu của đất nước.

Mỗi nơi đi qua tôi đều ghi lại trong nhật ký, gọi là xuyên Việt nhưng ở mỗi tỉnh, thành, tôi chủ yếu đi những điểm tiêu biểu và tiện lợi theo hành trình các tuyến đường.

Chuyến đi xa đầu tiên chắc chắn không tránh khỏi những sự cố. Với tôi đó là lúc bị lạc trong lần đi đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên - Huế ra hướng Đà Nẵng. Khi đó mặt trời đã khuất bóng, mưa bắt đầu rơi lả chả, trời lạnh dần và rất tối, đường rừng nên trời sụp tối rất nhanh, tin Google Maps, tôi cứ đi theo, sau khi chạy vài chục phút, tôi mới giật mình khi thấy không có một chuyến xe lớn nhỏ nào đồng hành cả.

Tay lái có phần chùn xuống, chân hơi bị… quéo, cả tuyến đường chỉ có đồi núi, những dòng suối, vực sâu và hầu như không có một căn nhà nào trên đoạn đường dài gần 70km đó, điện thoại lại không có sóng, không có 3G, 4G. Mãi cho đến khi đến một đoạn đường đang xây dựng không thể đi tiếp, khi đó tôi mới hiểu vì sao người ta nói: “Đừng quá tin chị Google, coi chừng long đền (lên đồng) như chơi”.  Dù rất sợ nhưng vì bà xã phía sau nên tôi phải trấn tĩnh, sau khi định hướng lại, tôi chạy một mạch vào một bản làng gần đó. Chính sự nhạy cảm và tính toán, suy xét kỹ giúp tôi xác định được hướng có người ở. Sau khoảng 1 tiếng, vợ chồng tôi đến một bản có đồng bào ở, có homestay, bán cơm lam, thịt xiên nướng với mấy món ăn của đồng bào. Thế là vừa có chỗ nghỉ ngơi, có cơm ăn, không bị lạc sâu vào đường cùng. Đó là trải nghiệm vừa đáng nhớ vừa đáng sợ của cả hai vợ chồng.

Thật ra để có chuyến đi này là cả một quá trình tìm hiểu, chuẩn bị từ kiến thức, kinh nghiệm, kinh phí đến những kỹ năng sinh tồn khác, chứ không phải cứ thích là đi. Kinh nghiệm từ những năm làm nghề xây dựng giúp tôi có kỹ năng đọc bản đồ khá tốt. Vì thế, dù mới sử dụng điện thoại thông minh khoảng 2, 3 năm nay, nhưng tôi nhìn bản đồ online là có thể định hình hướng đi.

Có kiến thức về cơ khí, xe cộ, nên tôi tìm hiểu kỹ các loại xe phù hợp đi đường trường, cách sửa xe cơ bản, chạy xe sao cho bền, đoán bệnh xe. Năm 2021, tôi mua một chiếc Yamaha NVX 155, sau khi đổi chiếc Sirius thì trả 47 triệu đồng. Trước khi đi hành trình dài từ miền Tây đến tận Tây Bắc, tôi và vợ đã có chuyến thử nghiệm quanh đồng bằng sông Cửu Long, ra Phú Quốc khoảng 10 ngày.

Kinh phí vợ chồng dành dụm lâu nay, cứ mỗi năm một ít, có dư kha khá thì gửi vô tài khoản ngân hàng, trước chuyến đi tài khoản được 60 triệu đồng, cứ để trong đó, đi tới đâu rút tiền xài tới đó, hạn chế để tiền mặt trong người. 38 ngày xuyên Việt của vợ chồng tôi hết khoảng 30 triệu đồng. Cả chuyến đi này chỉ có một lần bị ngã xe nhẹ, lạc đường một lần, còn lại không gặp sự cố gì khác.

Vậy là ước mơ mấy mươi năm nay đã thành hiện thực, riêng ước mơ được đi học đại học, con gái lớn tôi đã thực hiện cho cả ba và mẹ. Với tôi, đã ước mơ phải cố gắng thực hiện nhưng phải làm một cách thực tế và khoa học. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, chính ước mơ cho chúng ta thêm niềm tin vào cuộc sống và mỗi chuyến đi chính là dòng suối nguồn tươi trẻ, tưới mát tâm hồn cứ ngỡ đã già nua!

“Ban đầu nghĩ đi vì đam mê của ông ấy, nhưng đi xong tôi mới nhận ra là tôi đi cũng vì chính bản thân mình...”

“Đi từ trong này ra tới đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), qua được đèo hồn phách rụng rời, nên nói ổng lên Đà Lạt chơi vài ngày rồi trở về, chứ mới có cái đèo cỡ này đã xây xẩm mặt mày, muốn rụng tim sao dám ra ngoài kia, nghe đâu vùng ngoài đường đi một bên vách núi dựng đứng, bên vực thẳm không thấy đáy... nhưng rồi đi thêm vài đèo nữa thấy tay lái ổng cứng cáp, cảnh đẹp quá nên tôi mê luôn, muốn đi thêm nữa. Thế là kế hoạch hành trình chỉ ước tới Thủ đô Hà Nội nhưng sau đó đi tận Hà Giang địa đầu Tổ quốc, cùng nhiều tỉnh Tây Bắc. Ban đầu tôi nghĩ đi theo để bầu bạn, đi vì chồng, cho thỏa đam mê của ổng, nhưng đi rồi thì thực sự mới thấy là tôi đang đi vì tôi, nhờ chuyến đi tôi thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, không còn tâm lý thấy gì cũng sợ. Một trải nghiệm quá đáng nhớ và ý nghĩa với cuộc đời của vợ chồng tôi”.

 

TRẦN VIẾT TRUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>