“Trao cần câu” giúp người dân thoát nghèo

05/10/2023 | 08:18 GMT+7

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Châu Thành A đang tập trung hỗ trợ sinh kế hộ nghèo, hộ cận nghèo... theo nhu cầu thực tế và phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Các hộ dân ở xã Trường Long Tây được tham gia Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tham quan mô hình nuôi dê trên địa bàn huyện.

Hỗ trợ sinh kế phù hợp

Gia đình ông Lý Dân, ở ấp 4A, xã Tân Hòa, là hộ cận nghèo, để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều năm qua, vợ chồng ông sống bằng nghề mua ve chai. Nhưng tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu hơn, ông Dân mong muốn được hỗ trợ một công việc phù hợp, có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống cho vợ chồng ông và 3 đứa cháu ngoại. Năm 2023, ông Dân là một trong các hộ cận nghèo của xã Tân Hòa, được lựa chọn để tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tham gia dự án này, ông Dân được hỗ trợ vốn mua 3 con dê giống trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Ông Dân cho biết: “Qua hướng dẫn của cán bộ địa phương, tôi đã làm xong chuồng trại sẵn sàng chờ ngày nhận dê về nuôi. Tôi còn được các đoàn thể, những người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi ở xã chia sẻ việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê. Được hỗ trợ con giống lần này, sẽ giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo”.

Giúp người nghèo phát triển kinh tế, hạn chế tái nghèo, xã Trường Long Tây tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: “Công tác giảm nghèo luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương có 10 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ nuôi dê. Đối với các hộ tham gia dự án, người dân đã đầu tư làm chuồng trại, địa phương còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức tham quan mô hình chăn nuôi dê hiệu quả ở các trang trại lớn”.

Trợ lực trong thoát nghèo

Năm 2023, huyện Châu Thành A có 73 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Có 7 dự án nuôi dê và 1 dự án nuôi bò, với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,2 tỉ đồng.

Trước khi hỗ trợ, chính quyền địa phương đều tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân. Sau đó, Ban Quản lý dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Ông Hà Văn Chính, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những dự án rất thiết thực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đây được kỳ vọng sẽ giúp người nghèo có thêm nguồn lực để vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, các địa phương triển khai dự án đã xét chọn đối tượng tham gia đảm bảo đúng quy định và các hộ được tham gia dự án đã đầu tư chuồng trại, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi khá tốt”.

Hỗ trợ sinh kế chính là giúp hộ nghèo, cận nghèo có tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế. Các cấp chính quyền huyện Châu Thành A, đang giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm nguồn lực để vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Châu Thành A triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,2 tỉ đồng. Theo đó, có 73 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia thực hiện dự án nuôi dê và nuôi bò.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>