Tiếp sức hộ nghèo

30/11/2022 | 05:37 GMT+7

Với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, cuộc sống của hộ nghèo dần được cải thiện, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Thống (thứ 6 từ trái qua) phấn khởi khi được hỗ trợ nhà ở.

Hỗ trợ an cư

Gần 4 tháng trôi qua, kể từ ngày dọn vào nhà mới, đến nay, vợ chồng ông Phan Văn Lực, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, vẫn chưa quên được cảm giác vui mừng. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông bà lớn tuổi, thu nhập gia đình phụ thuộc vào việc bán nước giải khát nên đã bao lần ông bà muốn dựng lại căn nhà nhưng không đủ khả năng. Vì thế, khi được hỗ trợ căn nhà vững chãi, ông bà rất mừng, mơ ước cất lại căn nhà bấy lâu đã thành hiện thực. Còn nhớ ngày mọi người đến bàn giao nhà, ông bà đã ân cần bắt tay cảm ơn từng người đã quan tâm, hỗ trợ, để gia đình có được căn nhà vững chãi. Ông Lực bộc bạch: “Sống hơn nửa đời người tôi chưa bao giờ dám mơ ước mình có được căn nhà như thế này. Nay ước mơ đã thành sự thật. Căn nhà này là cái nghĩa, cái tình mà mọi người dành cho gia đình. Trong cuộc sống hôm nay, dẫu còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, để xứng đáng với sự quan tâm, hỗ trợ của mọi người”.

Còn gia đình ông Lê Văn Thống, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng phấn khởi khi có căn nhà vững chãi để an cư. Gia đình ông Thống là hộ nghèo, không ruộng đất. Thu nhập chính phụ thuộc vào số tiền làm thuê, làm mướn, nên không có khả năng cất lại căn nhà đã xuống cấp, nhiều chỗ hư hỏng. Cách đây không lâu, cả nhà vui mừng khi được Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động hỗ trợ 50 triệu đồng, để xây dựng căn nhà. “Giờ đây, được ở trong căn nhà mới, vợ chồng tôi mừng lắm. Có nhà ở ổn định rồi, chúng tôi ráng làm, để cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo”, ông Thống chia sẻ.

Để chăm lo, hỗ trợ người nghèo, các ngành, các cấp và địa phương đã vận động xây dựng nhiều căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, giúp mọi người “an cư lạc nghiệp”. Những căn nhà được xây dựng rất có ý nghĩa, không chỉ giúp mọi người có được mái ấm để an cư, mà đó là cái nghĩa, cái tình, tình cảm của những người đi vận động và cả người được vận động để chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, UBMTTQ Việt Nam các cấp, các cơ quan, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã vận động xây dựng và sửa chữa trên 660 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.

Cùng với hỗ trợ nhà ở, các ngành, các cấp luôn quan tâm hỗ trợ sinh kế, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện để thực hiện mô hình làm ăn, cải thiện cuộc sống.

Trao “cần câu”, trao cơ hội

Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ bò giống sinh sản, gia đình anh Nguyễn Văn Xu, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ rất phấn khởi. Trò chuyện cùng mọi người, anh Xu vui vẻ cho biết: “Lúc mới được hỗ trợ bò chỉ hơn 100kg, nay được trên 200kg rồi, vợ chồng tôi cưng nó dữ lắm”. Gia đình anh Xu là hộ nghèo, mỗi ngày anh đi giăng lưới, cắm câu kiếm cá, thu nhập cũng bấp bênh, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Thấy vợ chồng anh chí thú làm ăn, nhằm tạo điều kiện để gia đình phấn đấu vươn lên, từ nguồn hỗ trợ của tuyến trên, địa phương đã xét để hỗ trợ gia đình một con bò sinh sản.

Được hỗ trợ bò giống đã tiếp thêm động lực để gia đình anh phấn đấu vươn lên. Anh Xu chia sẻ: “Là hộ nghèo, tôi cũng suy nghĩ để thực hiện mô hình làm ăn, nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, nhưng ngặt nỗi không có vốn. Từ khi nhận được bò giống, gia đình tôi ai nấy đều phấn khởi và tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng để bò phát triển tốt”. Trong thời gian nuôi bò, anh Xu đã được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhờ đó, bò phát triển tốt. Theo anh Xu, chăn nuôi bò không khó và nặng nhọc, chỉ cần tiêm ngừa đầy đủ, cộng thêm cung cấp đủ lượng cỏ thì bò phát triển tốt. Anh Xu hy vọng, sau khi bò sinh sản, gia đình anh sẽ có điều kiện vươn lên, đời sống kinh tế ngày càng phát triển.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, các địa phương còn phân công cán bộ, đảng viên, hội đoàn thể, hỗ trợ hộ nghèo trong việc tổ chức sản xuất và tìm hướng thoát nghèo bền vững; chia sẻ khó khăn với hộ nghèo nếu chẳng may gặp rủi ro trong sản xuất cần vốn tái đầu tư, động viên hộ nghèo vượt khó vươn lên. Bà Phan Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Đầu năm 2022, trên địa bàn xã có 58 hội viên phụ nữ là chủ hộ thuộc diện hộ nghèo. Để giúp chị em vươn lên, cải thiện cuộc sống, hội đã hỗ trợ vốn sinh kế, hướng dẫn mô hình làm ăn, giới thiệu việc làm đến các chị em. Qua rà soát vào cuối năm có 18 chị thoát nghèo”.

Công tác giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Hậu Giang luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi gợi ý chí tự lực vươn lên của hộ nghèo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, tiếp sức cùng hộ nghèo. Nhìn chung, với sự tiếp sức của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương đã giúp hộ nghèo có phương tiện làm ăn, có vốn sản xuất, từng bước có thu nhập ổn định, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2022…

Năm 2022, UBMTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 71 mô hình hỗ trợ sinh kế cho 2.449 hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 22 tỉ đồng. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được phân bổ kinh phí để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí trên 24,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam các cấp, các cơ quan, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã vận động xây dựng mới và sửa chữa trên 660 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết…

 

    Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>