Niềm vui lao động tự do

19/10/2021 | 07:48 GMT+7

Sau khi tỉnh nới lỏng giãn cách, nhiều lao động đã trở lại với cuộc sống mưu sinh thường nhật. Được đi làm là niềm vui lớn của những lao động tự do !

Ông Lộc phấn khởi khi có thể di chuyển liên huyện để thu mua phế liệu.

Vừa xếp xong mấy thùng giấy, chai nước suối, đồ mủ lên chiếc xe ba gác, ông Trần Minh Lộc, ở phường I, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Tỉnh nới lỏng giãn cách, người mua bán phế liệu chúng tôi đi lại, mua bán thuận tiện, ai nấy mừng lắm. Nhà tôi tuy ở thành phố Vị Thanh, nhưng trên chục năm qua tôi thường đi mua ve chai bên huyện Vị Thủy. Hổm rày không có đi mua chỉ quanh quẩn ở nhà, nay đi lại được mừng quá xá. Mấy ngày này mua cũng chưa được nhiều, bởi bà con còn lo dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc nhiều người, chủ yếu mua mấy mối quen do bà con đợi tôi sang để bán”. 

Với nghề thu mua phế liệu giúp ông Lộc có thu nhập mỗi ngày từ 100.000-200.000 đồng, trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng hơn 2 tháng qua, do thực hiện giãn cách xã hội, không thể lao động kiếm tiền, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lộc, trước đây mỗi ngày thu mua phế liệu, tuy đẩy xe hàng cây số, có ngày mệt lả người, nhưng có thu nhập, cuộc sống cũng ổn định. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, dù được hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo Nghị quyết số 68, rồi được địa phương, mạnh thường quân hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm nhưng do dịch bệnh kéo dài nên cuộc sống túng thiếu là điều không tránh khỏi. Giờ đây, tỉnh đã trở lại bình thường mới, ông tiếp tục mưu sinh bằng nghề cũ, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Nghề này đòi hỏi mình phải đi nhiều mới mua được nhiều. Mong sao dịch bệnh mau qua, để người dân đi lại, làm việc, lao động bình thường, ổn định cuộc sống”, ông Lộc bày tỏ.

Tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài khiến cuộc sống nhiều gia đình lao động tự do nghèo càng thêm chồng chất khó khăn. Những lao động may mắn còn có việc làm thì luôn cố gắng giảm chi tiêu, tiết kiệm mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày. Còn với những lao động thất nghiệp, mất việc thì khó khăn càng nhân lên gấp bội, cho nên khi đi làm trở lại, họ vô cùng phấn khởi.

Ở tuổi 56 nhưng ông Hồ Vũ Đức, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy có “thâm niên” chạy xe ôm gần 20 năm. Nhờ nghề này giúp ông lo cuộc sống cả gia đình và mấy đứa cháu ngoại. Ông Đức bộc bạch: “Giờ được chở khách đi các huyện trong tỉnh, dân xe ôm chúng tôi mừng còn gì cho bằng, chứ chỉ trong phạm vi xã, huyện thì rất ít người đi. Mấy ngày nay người dân cũng ít đi lại, có ngày thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng có thể kiếm tiền, lao động chúng tôi vui lắm”.

Còn chị Phạm Thị Thu, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy cũng phấn khởi khi có thể đi bán liên huyện. Trước khi có dịch, với chiếc xe đẩy, chị Thu đẩy từ xã Vị Đông sang phường V, thành phố Vị Thanh, với đủ loại từ thịt, cá, đến rau củ mỗi ngày chị cũng kiếm được 300.000-400.000 đồng. Rồi dịch bùng phát, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội chị chỉ ở nhà, đến khi được phép bán trở lại, chị Thu chỉ bán vòng vòng khu vực xã Vị Đông, ngày nào đắc thì được trên 100.000 đồng, ngày ế dù bán từ sáng đến chiều cũng chỉ được vài chục nghìn đồng. Từ ngày tỉnh nới lỏng giãn cách, chị Thu có thể đẩy xe sang khu vực phường V, thành phố Vị Thanh để bán như lúc trước. Được đi liên huyện điều đó đồng nghĩa thu nhập sẽ được tăng hơn, chị rất phấn khởi. Theo chị Thu, trong thời gian đi bán chị luôn đeo khẩu trang, ngoài ra còn trang bị chai nước sát khuẩn, để xịt tay thường xuyên.

Trước khó khăn chung của lao động nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ trên 43.000 lao động tự do theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, hỗ trợ trên 8.200 đối tượng đặc thù của tỉnh. Ngoài ra các ngành, các cấp, ủy ban MTTQ, hội chữ thập đỏ, các đoàn thể đã tích cực vận động xã hội hóa để hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho người dân.

Sự hỗ trợ trên có nhiều ý nghĩa đối với người lao động tự do trong lúc khó khăn, còn về lâu dài thì câu chuyện tự lao động để mưu sinh vẫn là yêu cầu bền vững nhất để ổn định cuộc sống mỗi người. Có thể lao động, kiếm tiền để lo cuộc sống gia đình là niềm vui của những lao động tự do, trong quá trình này mọi người luôn chia sẻ phải thực hiện quy định phòng, chống dịch, chú ý bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần chung tay vượt qua đại dịch...

Trước khó khăn chung của lao động nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ trên 43.000 lao động tự do theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, hỗ trợ trên 8.200 đối tượng đặc thù của tỉnh.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>