Nhớ vị tết xưa !

26/01/2023 | 10:47 GMT+7

/uploads/Audio/News/2023/01/26/105117Bai Nho vi Tet xua - Bao Xuan 2023 - Hoang Nguyen.mp3

Cứ mỗi lần rủ cậu Út kể chuyện ăn tết ngày xưa, là “ổng” lại cảm thán đọc mấy câu thơ:

Có ai còn nhớ cảnh xóm làng xúm xít cùng gói, nấu bánh tét mỗi khi tết về?

“Tết xưa ngày đó vui vui lắm,

Chị quết bánh phồng, má ngào mứt dẻo,

Em gói bánh tét, thím sên mứt dừa,

Xóm trên đổ bánh bông lan thơm ngào ngạt,

Xóm dưới nướng bánh bột đậu để vui xuân”...

Nghe xong, chúng tôi hay chọc cậu làm thơ dở ẹc mà cứ xuất khẩu thành thơ. Cậu trả lời: Thơ dở nhưng đầy kỷ niệm, những người trẻ như chúng tôi sẽ khó cảm nhận hết nét đẹp tết xưa, nhất là không khí cả xóm cùng làm bánh ăn tết...

Quết bánh phồng mì đón tết đã là ký ức không quên với nhiều người.

Có lẽ cậu Út nói đúng, bây giờ đủ đầy, muốn ăn bánh tây, bánh ta, bánh nội, bánh ngoại cứ ra chợ, siêu thị là có hết, nên không khí túm tụm làm bánh khi xưa giờ khó tìm.

Để cảm nhận phần nào vị tết xưa, tôi tìm đến một nghệ nhân làm bánh dân gian nổi tiếng ở thành phố Vị Thanh - bà Nguyễn Thị Nhì, ở ấp 3, xã Vị Tân. Người hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh. “Tôi lúc 14,15 tuổi làm bánh khéo khéo rồi, tới mười tám, đôi mươi thì rành nhiều loại. Tết xưa vui lắm, cứ tầm 24, 25 tết cả xóm rộn ràng, xúm xít làm bánh để ăn mấy ngày tết. Thuở đó nghèo nhưng thấm đượm nghĩa tình!”, bà Nhì bộc bạch.

Khi xưa, hầu như nhà nào trong xóm cũng trồng khoai mì, dù có ăn mỗi ngày quanh năm cũng không hết. Vậy là tới tết nhổ lên quết bánh phồng. Khoai mì nhổ, rửa sạch, ngâm cho hết độc, rồi hấp mềm, sau đó mấy anh lực điền quết, còn chị em làm dùa khoai. Chiếc cối đá to đùng, cứ theo nhịp chày gỗ quết đì đùng từ khuya tới sáng, cho kịp nắng tốt để cán phơi cho bánh mau khô. Giao thừa, ba ngày tết là nướng lên ăn, bánh thơm mùi khoai mì, béo béo nước cốt dừa, nướng lên giòn rộp, đậm đà mùi than củi, ăn xong tay mặt lấm lem nhọ than, vậy mà ngon, ăn hoài không chán.

Đâu chỉ quết bánh phồng, ngày cuối cùng của năm, các bà các mẹ hùn nếp, chuối, đậu, thịt mỡ để đi gói bánh tét. Lá chuối thì đầy ở sau vườn, nhiệm vụ róc, phơi lá chuối được giao cho mấy đứa con gái. Hồi đó, bánh tét ngoài dịp giỗ quải, thì tới tết mới gói. Ngày xưa có loại nếp Mù U, không có nếp Thái như bây giờ, dẻo, gói bánh tét ngon. Bánh tét nhân đậu mỡ, hòa quyện cùng mùi nếp dẻo có sên với nước cốt dừa, ai ăn một lần không thể quên.

 

Các bà các mẹ sên mứt dừa chuẩn bị tết.

“Nhớ thời đó siêng làm bánh dữ lắm. Bột làm bánh chủ yếu xay tay, chứ đâu làm sẵn, ra chợ mua là có như bây giờ. Qua đợt làm bánh tết chị em hay nói vui là đứa nào cũng lên chuột bằng con trâu”, bà Nhì cười nhớ lại.

Các loại bánh dân gian xưa nguyên liệu đều từ cây nhà lá vườn, như món mứt dẻo. Nhà có chuối chín, thì từ tháng 10, tháng 11 âm lịch tận dụng ép phơi khô, gần tết làm mứt này. Chuối khô, đu đủ xanh, khóm đem ngào với đường cho đủ độ kết dính, thêm gừng xắt nhỏ, đậu phộng vào. Nói thì đơn giản vậy, chứ ngào không tới, lửa quá to hoặc quá nhỏ dễ hư cả mẻ bánh, bị khô cứng, lợi đường. Món mứt dẻo có vị ngọt đặc trưng của chuối, giòn sần sật của đu đủ, cay the của gừng, béo bùi của đậu phộng, để uống nước trà ngon phải biết.

Rồi chị em còn bày biện sên mứt dừa, món này tết rất bắt miệng, hầu như nhà nào cũng sên vài chảo để ăn tết.

Riêng với ngoại tôi, bánh tết kỷ niệm đong đầy. Ngoại kể: Ông ngoại quen bà nhờ cái bánh bông lan, hồi đó bà nổi tiếng nướng bánh bông lan khéo, đám nào cũng mượn bà đổ, mà bà mê giọng hát Minh Vương - Lệ Thủy với bài ca cổ: “Bông lan cánh trắng nhụy vàng, qua thương cô nàng khéo nướng bánh bông lan...”. “Biết ngoại thích, ông ngoại mày cứ gặp là ngân nga, mà ngặt nỗi ổng ca không có giống Minh Vương, mà giống... Minh Cảnh nhưng dù sao cũng hay nên bà ưng, chịu cho qua nhà dạm hỏi”, ngoại cười mỏm mẻm.

 

​​​​​​​

Mứt dẻo, bông lan, những món bánh quê dung dị.

Gần đám, ngoại tự tay mình làm cả thiên bánh bông lan, một mâm gửi qua nhà ông ngoại để bữa đi hỏi vợ làm sính lễ, còn lại đãi bà con lối xóm. Ông bà ngoại thành thân, về chung nhà chính nhờ bánh bông lan.

Hồi đó, sắp nhỏ như chúng tôi cứ trông tết để được ăn bánh ngon, có loại chỉ tới tết mới làm. Giờ, cuộc sống thay đổi, cái gì cũng đủ đầy, bánh trái không thiếu, ấy vậy mà cứ mỗi dịp tết về, trong cái lạnh se se của gió bấc đưa theo hương rạ nồng của vụ lúa mới cắt, lại nhớ se sắt cảnh xóm giềng xúm xít quết bánh phồng, gói bánh tét, sên mứt dừa....

Vị tết xưa dù không quá đủ đầy, dù thiếu thốn nhưng thấm đượm tình làng nghĩa xóm, dù dung dị nhưng đong đầy yêu thương, cứ nghe mùi hương đó là thấy tết về!

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>