Nhanh chóng hỗ trợ người lao động

22/07/2021 | 07:46 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các sở, ban, ngành, địa phương tại Hậu Giang nhanh chóng triển khai, thực hiện, để người dân sớm được hưởng chính sách.

Nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đến lao động tự do.

Linh hoạt rà soát thời điểm giãn cách xã hội

Theo bà Bùi Mỹ Tiên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A: Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa tỉnh, trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, huyện Châu Thành A đã linh hoạt triển khai kế hoạch qua các nhóm zalo. “Lãnh đạo huyện đã triển khai kế hoạch đến các xã, thị trấn thông qua nhóm zalo của huyện. Cùng với đó, phòng lao động - thương binh và xã hội cũng triển khai quy trình, các biểu mẫu đến cán bộ cơ sở thông qua nhóm zalo của ngành. Nếu có gì không hiểu, mọi người sẽ trao đổi cụ thể. Đồng thời, các trưởng ấp, bí thư chi bộ đến nhà hoặc gọi điện thoại để thông tin cho những người đủ điều kiện để làm đơn đề nghị. Cùng với đó, huyện cũng tuyên truyền qua đài truyền thanh, để người dân biết được điều kiện, đối tượng, thủ tục để làm đề nghị hỗ trợ”, bà Tiên cho biết.

Người lao động tự do nếu đủ các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người theo Nghị quyết số 68.

Các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đang tích cực rà soát, nắm danh sách và tuân thủ theo tinh thần Chỉ thị 08 của UBND tỉnh. Theo ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, do đang thực hiện giãn cách xã hội, do đó, chúng tôi sẽ chuyển mẫu đề nghị đến bí thư chi bộ, trưởng ấp, để phát cho những người đủ điều kiện, tránh tập trung đông người.

Mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm đã 20 năm, ông Trương Dì Hồ, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: Chưa lúc nào mà ông gặp khó khăn như bây giờ. Trước đây, mỗi ngày ông cũng kiếm được trên 200.000 đồng từ công việc này, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 dẫu thu nhập giảm nhiều, nhưng cũng chưa đến mức khó khăn như gần đây. Ông Hồ tâm sự: “Dịch bệnh phức tạp quá, ai cũng sợ nên mọi người rất ngại ra đường, vì thế tôi cũng bị thất nghiệp. Vừa rồi được cán bộ địa phương cho hay tôi thuộc lao động tự do sẽ được hỗ trợ nếu đủ các điều kiện theo quy định. Nếu được hỗ trợ tôi mừng lắm, bởi gia đình bây giờ rất khó khăn”.

Với trách nhiệm của ngành trong thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, sau khi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Công văn 1988 về việc thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, BHXH tỉnh đã triển khai đến BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, BHXH tỉnh đã rà soát, thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Nếu đơn vị nào đủ điều kiện thì gửi hồ sơ thủ tục. Đối với chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, căn cứ vào dữ liệu quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Riêng đơn vị có người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước (các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên) thì đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH, BHYT gửi cơ quan BHXH để điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Thực hiện “cuốn chiếu”, có bao nhiêu sẽ giải quyết bấy nhiêu

Dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Do đó, mọi người đang từng ngày mong chờ được nhận chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai Nghị quyết của Chính phủ “Người dân đang mong chờ việc thực hiện Nghị quyết số 68. Do đó ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân; đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân”.

Các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương triển khai trên tinh thần khẩn trương, gấp rút. “Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chúng tôi đã triển khai kế hoạch đến các địa phương, trong đó có cả biểu mẫu, các quy định. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp để rà soát lao động tự do, tạo sự thuận lợi nhất cho người dân. Đặc biệt, chỉ đạo phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố nhận hồ sơ được bao nhiêu phải giải quyết ngay, bởi người dân đang rất trông chờ”, bà Võ Thị Mỹ Trang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nhấn mạnh.

Còn bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Thực hiện theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát toàn tỉnh có 37 người là diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch đủ các điều kiện được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 137 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi đã gửi 27 hồ sơ đến UBND tỉnh, sau khi được phê duyệt sẽ gấp rút chi trả cho người thụ hưởng.

Với quan điểm hỗ trợ chính sách đúng đối tượng, nên việc rà soát được thực hiện kỹ lưỡng từ phía cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch. Sau khi được các cơ quan chức năng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, UBND xã, phường, thị trấn là đơn vị chi trả hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy: Khi nhận được đề nghị của người dân chúng tôi sẽ nhanh chóng thẩm định. Danh sách có đến đâu được làm cuốn chiếu đến đó, không chờ. Trong thực hiện chính sách phải nhanh chóng, kịp thời và có sự giám sát chặt chẽ, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Với thực hiện chính sách kịp thời, thủ tục nhanh gọn, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự giám sát chặt chẽ gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ sẽ đến với người lao động và người sử dụng lao động kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>