Nguy cơ cháy, nổ do tích trữ xăng, dầu

24/04/2024 | 08:19 GMT+7

Tích trữ xăng, dầu trong các can, chai nhựa... rất dễ bị thủng, bể do va đập, dẫn đến rò rỉ, tràn xăng, dầu ra ngoài, tạo thành môi trường tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Người dân dùng can nhựa để mua xăng tích trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Những ngày gần đây, ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa rào, với lượng mưa không đáng kể. Nắng nóng tiếp tục gay gắt nên không ít nông dân mang theo can, chai nhựa… để mua xăng, dầu về tích trữ trong nhà phục vụ máy bơm, tưới nước cho đồng ruộng, cây trồng. Từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Ông Nguyễn Văn Tổng, ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nắng nóng với nền nhiệt cao sẽ làm nước trong đất bốc hơi nhanh, gây ra tình trạng khô đồng, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của cây lúa. Hiện lúa của tôi được hơn 10 ngày tuổi, vì nắng gay gắt làm nước trên ruộng nóng và mau cạn, khiến cho cây lúa chậm phát triển. Do đó, cứ khoảng 2-3 ngày là tôi phải bơm nước vào ruộng”.

Còn theo ông Huỳnh Minh Hồng, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, cây trồng, nhất là hoa màu dễ bị héo, suy kiệt vì nắng nóng, khô hạn kéo dài. Để cây trồng trong vườn nhà được tươi tốt, ngoài việc bón phân, phun thuốc thì phải cung cấp đủ nước. Vì vậy, ngày nào ông cũng phải tốn khoảng 1 lít xăng để chạy máy tưới nước cho mít và tắc được trồng trong vườn. Mỗi lần mua là 10 lít xăng, khi nào sử dụng hết thì mua tiếp.

Xăng, dầu là chất lỏng rất dễ bay hơi. Do đó, nếu tích trữ trong các thiết bị chứa không phù hợp thì xăng, dầu dễ bị rò rỉ ra ngoài. Chưa kể, tại các hộ gia đình, xăng, dầu tích trữ thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh và không có thiết bị chuyên dụng bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao.

Thượng tá Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, cho rằng, xăng là chất nguy hiểm cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt. Nếu tích trữ trong các can, chai nhựa… thì rất dễ dẫn đến hiện tượng vỡ, thủng thiết bị chứa, dẫn đến xăng, dầu tràn ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, nhất là trong không gian kín, hẹp. Vì thế, việc đem xăng về nhà tích trữ là vấn đề đáng lo. Bởi nếu không có biện pháp phòng cháy nghiêm ngặt, sẽ rất dễ dẫn đến cháy nổ, cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với việc người dân tích trữ xăng, dầu phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa nắng nóng và nhằm giúp người dân nắm bắt được những kiến thức cơ bản, biết các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy xăng, dầu hiệu quả, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân chỉ mua xăng, dầu vừa đủ với nhu cầu sử dụng hàng ngày, không nên tích trữ tại nhà để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Trường hợp hộ gia đình đã tích trữ xăng, dầu thì cần có biện pháp bảo quản an toàn bằng cách chứa xăng, dầu trong thiết bị phù hợp; bảo quản trong khu vực độc lập, tuyệt đối không tồn chứa xăng, dầu trong khu vực có người ở; khu tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi tích tụ của hơi xăng, dầu; có biện pháp ngăn xăng, dầu tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa, sinh nhiệt; trang bị các phương tiện chữa cháy xách tay, cũng như các kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho bản thân và những người trong gia đình để kịp thời ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Các biện pháp chữa cháy xăng, dầu hiệu quả

Đó là, chữa cháy xăng, dầu bằng bình chữa cháy loại bọt, bột để dập tắt đám cháy như bình chữa cháy bột khô BC, ABC, khí CO2 hoặc bọt Foam. Chữa cháy xăng, dầu bằng cát, do cát là vật có khả năng hấp thụ nhiệt rất tốt, ngăn cản đám cháy tiếp xúc với oxy; dùng cát để ngăn không cho chất cháy chảy loang, đây là phương pháp đơn giản, khá hiệu quả và hầu như ai cũng có thể sử dụng để dập tắt đám cháy.

 Dùng chăn, màn chuyên thấm nước phủ hoàn toàn bề mặt của đám cháy để dập tắt đám cháy xăng, dầu. Đây là biện pháp rất thích hợp sử dụng cho những nơi có diện tích cần chữa cháy nhỏ hẹp. Chú ý, không được chữa cháy xăng, dầu bằng nước.

 

Bài, ảnh: BẢO LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>