Người phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực

20/02/2023 | 10:37 GMT+7

Ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, có một người phụ nữ khuyết tật nhưng rất giàu nghị lực. Bà luôn cố gắng trong cuộc sống và trở thành tấm gương vượt khó của biết bao người.

Ngoài những giờ đi bán vé số, bà Trắng có thú vui trồng hoa, trồng rau.

Người phụ nữ ấy tên là Huỳnh Thị Trắng, sinh năm 1969, quê gốc ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Bà sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông nội và cha ruột của bà Trắng đều là những người từng tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1972, cha hy sinh, bà mồ côi cha từ ấy. Khó khăn chồng khó khăn khi vào thời điểm đó, bà Trắng đột ngột bị sốt bại liệt và đôi chân mất dần khả năng đi lại.

Ở tuổi lên ba, bà Trắng không thể cảm nhận hết những biến cố đến với cuộc đời mình. Mồ côi cha, khuyết tật, mẹ đi thêm bước nữa, hoàn cảnh gia đình khó khăn,... nhưng bà Trắng rất ham học, học giỏi và vẫn được đến trường.

Bà kể: “Tôi học được đến lớp 10 lận đó. Nhà cách trường 3 cây số mà ngày nào tôi cũng bơi xuồng đi học, rồi nhờ bạn bè đưa lên lớp. Hồi đó tôi thích đọc sách, báo và cứ hay ước được học đến nơi đến chốn để ngồi làm việc văn phòng, biên tập một cái gì đó”. Vậy mà ước mơ đẹp đẽ ấy không thể trở thành hiện thực, bà Trắng buộc phải nghỉ học giữa chừng vì cảnh nghèo, trường xa nhà, không ai đưa đón...

Sau khi nghỉ học, bà ở nhà mở quán nước nhỏ, rồi kiếm thêm thu nhập bằng nghề bó chổi và nhiều nghề khác. Suốt một thời con gái, bà đã nỗ lực làm mọi cách để kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình. Nhiều khi bà cũng không nghĩ đến chuyện lấy chồng, chỉ ở vậy để nuôi mẹ và những đứa em, con của mẹ với người sau. Nhưng rồi số phận đã cho bà gặp một người đàn ông mồ côi, hiền lành và tốt bụng, cả hai nên duyên vợ chồng năm bà Trắng 23 tuổi.

Xây dựng gia đình từ hai bàn tay trắng, vợ chồng bà đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Khởi nghiệp với kiếp sống thương hồ trên chiếc ghe hàng bán tạp hóa, rồi đi bán vé số, đi làm thuê ở Bình Dương. Cuộc mưu sinh lắm chông gai khi bà Trắng không ít lần bị thua lỗ, nợ nần. Có lúc gia đình bà rơi vào cảnh cơm không có ăn, áo không đủ mặc, nhà không có ở. Nhưng thật may mắn bên bà vẫn có những sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng.

Nhờ chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm nên vợ chồng bà Trắng dần trả hết nợ và dành dụm được một khoản tiền để sửa chữa căn nhà tươm tất, khang trang. Những năm gần đây, do con gái đã tự lập nên bà Trắng vơi bớt gánh nặng và có phần thoải mái hơn trước. Hiện vợ chồng bà vẫn mưu sinh bằng nghề bán vé số ở khu vực thị trấn Cây Dương. Cuộc sống không đến mức dư dả nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc, an vui hơn và có thể nghỉ ngơi nhiều hơn.

Ông Bùi Việt Thương, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam - Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chị Trắng là hội viên tích cực của hội, luôn sống tự lực, tìm công việc làm ăn chứ không trông chờ vào sự giúp đỡ của xã hội. Nhờ tính tiết kiệm nên từ khó khăn, nay chị đã tích lũy và có dư. Mỗi khi đi bán vé số, gặp hoàn cảnh nào khó khăn, chị thường liên hệ với hội để tạo điều kiện giúp đỡ cho họ”.

Khiếm khuyết và đi lên từ nghèo khó, nên bà Trắng dễ dàng đồng cảm với nỗi khó khăn, khổ cực của những người xung quanh. Bà Trắng chia sẻ: “Đó giờ mình được giúp đỡ nhiều quá, nhờ đó mà tôi mới có động lực vươn lên được như ngày hôm nay. Nên giờ tôi cũng cố gắng giúp lại người này, người kia một chút trong khả năng của mình. Tôi làm như vậy cũng là để tạo thêm tình cảm giữa người với người, để con gái và cháu ngoại tôi thấy đó mà sống có ý nghĩa hơn”.

Cuộc sống sẽ luôn mỉm cười với bà Trắng và với tất cả những ai kém may mắn, nhưng luôn giàu nghị lực và ý chí vươn lên.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>