“Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”

22/11/2021 | 08:11 GMT+7

Hậu Giang là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước. Trước thực tế đó, ngành dân số tỉnh đã có nhiều nỗ lực để nâng cao mức sinh thông qua “Mô hình sinh đủ 2 con” và nhiều chính sách thiết thực.

Công tác tuyên truyền, vận động “Mô hình sinh đủ 2 con” được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh trong chiến dịch.

Điều gì khiến các gia đình ngại sinh con ?

Đến trạm y tế để khám phụ khoa và đặt vòng vào ngày cao điểm của Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình và Nâng cao chất lượng dân số năm 2021 (Chiến dịch), chị Đoàn Thị Nhí, ở khu vực 6, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, yên tâm với biện pháp tránh thai này. Cách đây gần 6 năm, sau khi sinh đủ 2 con, chị đã đặt vòng để kế hoạch. Vì gia đình có ít con cháu, nên thời gian qua, chị được người thân động viên sinh thêm con thứ ba. Tuy nhiên, chị vẫn quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt hơn. “Với tôi, có 2 con là vừa đủ rồi. Tôi không sinh thêm nữa để có thời gian chăm sóc các con và phụ giúp ông xã làm kinh tế. Nhờ vậy mà mấy năm qua, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn”, chị Nhí chia sẻ.

Tương tự như chị Nhí, hiện nay có nhiều cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ, đang có xu hướng ngại sinh thêm con. Để lý giải điều này, có nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là xuất phát từ điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Các cặp vợ chồng đều muốn sinh ít con để nuôi dạy được tốt hơn. Một số người e ngại việc sinh con vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp. Điều này đã làm giảm dần mức sinh của tỉnh. Theo Quyết định số 588 ngày 28-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030, thì Hậu Giang là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.

Trước tình hình đó, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền, vận động nhằm cải thiện mức sinh. Tuy nhiên, công tác vận động cũng gặp phải một số khó khăn, trở ngại nhất định. Bà Nguyễn Thị Thanh Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, cho biết: “Lực lượng lao động trẻ của thành phố đa số đi làm ăn xa, nên việc giám sát, nắm đối tượng để vận động, thuyết phục gặp khó khăn. Thành phố hết sức cố gắng triển khai đến ban chỉ đạo các cấp, các ấp, khu vực, đặc biệt là lực lượng cộng tác viên để nắm chặt đối tượng và có giải pháp vận động. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của người dân không phải “một hôm, một mai” là làm được mà phải có thời gian. Do đó, có thể vận động năm nay nhưng năm sau, năm sau nữa mới thay đổi được nhận thức của họ”.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các địa phương luôn linh hoạt, tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó, từng bước nâng cao mức sinh trên địa bàn, góp phần cải thiện mức sinh chung của tỉnh.

Từng bước tiến tới mục tiêu sinh đủ 2 con

Thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về Quy định một số mức hỗ trợ thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, từ năm 2019, các huyện, thị, thành phố đã triển khai “Mô hình sinh đủ 2 con”.

Bà Nguyễn Thị Cẩm, Trưởng khoa Dân số - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã được triển khai tại tất cả xã, phường của thành phố. Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nhận thức từ “mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con” sang “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Bước đầu mô hình đã có những chuyển biến khả quan”.

Theo bà Lê Thị Minh Trang, Trưởng khoa Dân số và Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ: “Giai đoạn đầu thực hiện mô hình sinh đủ 2 con, địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều người không muốn tham gia vì ngại chịu trách nhiệm, đã đăng ký là bắt buộc phải sinh. Qua tuyên truyền, vận động, người dân hiểu được việc đăng ký là nhận thức đầu tiên của đối tượng nên hiệu quả của mô hình dần được nâng lên”.

Đặc biệt trong Chiến dịch năm nay, các địa phương đã đổi mới công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” và các chính sách tuyên dương, khen thưởng và lợi ích khi sinh đủ 2 con để người dân thay đổi nhận thức và thực hiện.

Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: “Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu các cấp lãnh đạo chỉ đạo toàn hệ thống chính trị chung tay triển khai, quán triệt thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Đồng thời, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, tình hình thực tế về mức sinh và các chỉ số liên quan đến công tác dân số và phát triển để tham mưu Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về công tác dân số của tỉnh trong thời gian tới; tham mưu UBND tỉnh thông qua Quyết định về ban hành một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và Đề án thực hiện Chương trình điều chỉnh mức phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.

Với những quyết tâm và định hướng cụ thể, ngành dân số nói riêng và toàn hệ thống chính trị sẽ cùng chung tay để thực hiện tốt công tác dân số, từng bước nâng cao mức sinh vì sự phát triển của tỉnh.

Tập trung tuyên truyền thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”

 

Trong Chiến dịch năm nay, các địa phương đã đổi mới công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hay nên sinh đủ 2 con” và các chính sách tuyên dương, khen thưởng và lợi ích khi sinh đủ 2 con để người dân thay đổi nhận thức và thực hiện.

Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: “Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu các cấp lãnh đạo chỉ đạo toàn hệ thống chính trị chung tay triển khai, quán triệt thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>