Đánh bắt thủy sản mùa nước nổi

12/10/2021 | 09:14 GMT+7

Hiện nay, khi những cơn mưa lớn xuất hiện ngày một nhiều, mực nước nội đồng dâng cao, những cánh đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không sản xuất lúa Thu đông, người dân đã bắt đầu thực hiện cuộc mưu sinh của mình. Đặc biệt, năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghề đánh bắt thủy sản lại càng nhộn nhịp hơn mọi năm.

Anh Luân thả lưới bắt cá mỗi ngày cũng được vài ký. Ảnh: D.KHÁNH

Cải thiện đời sống

Trên cánh đồng ngập nước khu vực ấp 6, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, anh Võ Văn Hận đang tranh thủ cuốn tay lưới gần 100m để kiếm ít cá làm thực phẩm cho gia đình. Theo anh Hận, bản thân làm nghề xây dựng, nhưng gần 3 tháng nghỉ dịch, mất việc làm, thấy nước lên nên anh mua thêm tay lưới để kiếm cá sống qua ngày. Trung bình mỗi buổi kiếm được từ 2-3kg cá sặc, cá rô. Ăn không hết thì làm khô, làm mắm dự trữ, thậm chí bán lại cho bà con trong xóm.

Anh Hận cho biết: “Những năm trước không có dịch bà con đa phần đều có công ăn việc làm nên ít người làm nghề đánh bắt thủy sản. Nhưng năm nay ảnh hưởng bởi dịch, bà con không đi đâu được chỉ có thể ra đồng kiếm con cá, tép về ăn. Chính vì thế mà thời điểm này, dù ban ngày hay ban đêm gì trên đồng cũng có người giăng câu, thả lưới”. Cũng theo anh Hận, thời điểm hiện nay thì cá về chưa nhiều, nhưng cũng kiếm ăn được, chỉ cần mua tay lưới vài chục ngàn đồng là mỗi ngày cũng kiếm được vài ký cá để phụ cho bữa cơm gia đình.

Không chỉ riêng anh Hận mà do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà nhiều lao động nông thôn hiện nay trở thành những “ngư dân” bất đắc dĩ. Nghỉ dịch công việc bấp bênh, kinh tế bí bách nên nhiều nông hộ đã tự chọn cho mình một hình thức để khai thác nguồn lợi thiên nhiên ban tặng. Từ đó làm cho không khí đánh bắt thủy sản mùa nước nổi tuy mới vào vụ nhưng diễn ra khá sôi động. Người thì giăng câu, thả lưới, người thì đặt trúm, đặt dớn, đẩy côn hay bắt cua, bắt ốc… để lo cho cuộc sống gia đình. Theo nhiều người dân đánh bắt thủy sản trên đồng mùa nước bây giờ thì thủy sản không còn được nhiều như trước nên đánh bắt để bán thì khó chứ kiếm ăn đắp đổi thì vẫn còn được.

Anh Nguyễn Minh Hiền, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, những ngày qua thấy mưa dầm, nước lên anh lại chuẩn bị những chiếc trúm đi đặt khắp các vùng trong xã để mưu sinh cho cuộc sống. Năm nay, anh chuẩn bị hơn 50 cái trúm để đặt ở mùa nước nổi. Thời điểm này, tuy trúm lươn chưa chạy nhiều nhưng mỗi đêm anh kiếm cũng được khoảng 2kg lươn, một phần để lại ăn, một phần anh bán để mua thêm gạo và các nhu yếu phẩm sử dụng trong gia đình. Anh Hiền cho biết: “Gia đình không ruộng đất, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Đến mùa nước nổi thì chuyển sang nghề đặt trúm. Nghề này thường đặt chạy nhiều nhất lúc nước nổi, bởi khi ấy lươn sinh sản và phát triển rất nhiều, đến khi nước lũ rút thì gia đình lại quay sang nghề khác để kiếm sống”.

Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Anh Lê Minh Luân, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết hàng ngày mỗi buổi chiều đến chập choạng tối anh lại đem 200 thước lưới đi giăng trên những cánh đồng, tờ mờ sáng anh lại ra thăm. Mỗi buổi như thế cũng kiếm được từ 2-3kg, vừa sử dụng trong gia đình, vừa bán cho những người trong xóm. Anh Luân tâm sự: “Mình đánh bắt không chuyên nghiệp như những người chuyên đánh bắt thủy sản nên lưới của gia đình sử dụng để giăng là lưới có mắt lớn, chủ yếu để bắt những loại cá lớn để ăn và làm mắm nên lượng cá bắt được hàng đêm không nhiều. Còn những hộ khác thì đánh bắt bằng lưới mắt nhỏ, hay bằng dớn thì được nhiều hơn, nhưng đa phần là cá non”.

Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, đầu mùa mưa hàng năm là ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo cho cán bộ kỹ thuật ở các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Năm nay, do anh hưởng bởi dịch nên người dân đổ xô ra đồng kiếm thực phẩm là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên không phải vì thế mà sử dụng các phương tiện, hình thức đánh bắt mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản để gây mất cân bằng hệ sinh thái. Tới đây, ngành cũng sẽ thành lập các đoàn để tiến hành kiểm tra và nhắc nhở bà con, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm trong khai thác nguồn lợi thủy sản sẽ xử lý hành chính và tịch thu phương tiện.

Ngành thủy sản Hậu Giang cho biết, thời gian qua song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng đã tổ chức các cuộc tuần tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các tuyến sông, kênh, rạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người địa phương, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần lớn sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản với mục đích cải thiện bữa ăn gia đình, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ dụng cụ và thông qua tuyên truyền tại chỗ người vi phạm hiểu được hành vi vi phạm và cam kết không thực hiện.

Hiện nay sắp vào mùa nước nổi, để tránh tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sử dụng các ngư cụ cấm để đánh bắt thủy sản trong mùa lũ.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>