Chuyện từ những khu dân cư vượt lũ

05/10/2021 | 09:38 GMT+7

Các khu dân cư vượt lũ để ổn định chỗ ở từng được xem là giải pháp an sinh cho hàng ngàn hộ dân khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhưng thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng cần giải pháp tháo gỡ.

Khu dân cư vượt lũ ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, nhiều nhà xây dựng dở dang, bỏ trống.

Bài 1: Còn lắm khó khăn

Thiếu việc làm dẫn đến bỏ quê đi làm ăn xa nên nhiều căn nhà bị bỏ hoang hoặc sang bán giá rẻ cho người khác.

Nhiều nhà “vượt lũ” bỏ hoang

Việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL giúp người dân yên tâm nơi ăn, chốn ở, tiến tới ổn định cuộc sống là một chủ trương hợp lý và đầy tính nhân văn. Ý nghĩa là vậy, thế nhưng khi triển khai thực tế, lại phát sinh nhiều bất cập.

Hậu Giang, vùng đất mấy năm nay ít xảy ra ngập lụt nhưng thiên tai đã tác động lớn đến chuyện an cư của bà con. Bà Huỳnh Thị Tư, người dân tại Khu dân cư vượt lũ ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết từ khi chuyển vào sống ở đây, bà và nhiều hộ dân nơi đây có phần an tâm hơn, không còn cảnh thấp thỏm nỗi lo sạt lở, hay nhà dột cột xiêu.

Bà Tư tâm sự: “Ở đây nhiều nhà bỏ hoang từ lâu, bị hư hỏng nặng, nhiều người khó khăn quá, ở quê thất nghiệp nên họ bỏ nhà đi tìm việc ở xứ người. Gia đình tôi cũng không khá giả gì, trong căn nhà 64m2, những ngày trước dịch, hai vợ chồng làm đủ nghề, tiết kiệm mới đủ chi phí sinh hoạt, dịch bệnh bùng phát mấy tháng nay, cuộc sống lại càng eo hẹp”.

Nhà có 3 đứa con, trong đó 2 người con trai đầu có gia đình ở xa, còn người con trai út đi làm ở Bình Dương, ảnh hưởng dịch bệnh nên không về quê được, công việc cũng bị ảnh hưởng.

Có căn nhà để “an cư lạc nghiệp”, nhưng một số đã bán vì không có nhu cầu sử dụng hoặc khi xây dựng xong gia đình khó khăn nên phải sang bán hoặc cho thuê lại. Mỗi căn bán có giá bình quân khoảng 200 triệu đồng, hoặc cao hơn tùy vào chất lượng căn nhà.

Gia đình bà Dương Thị Kim Hưng, hàng xóm với bà Tư tâm sự, bà đứng ra nhận quần áo về cho bà con may gia công rồi giao lại, lấy công kiếm lời. Trừ hết chi phí, mỗi bộ quần áo bà lời khoảng 5.000 đồng, nếu có hàng đều đặn mỗi ngày bà cũng kiếm 50.000-100.000 đồng. Còn chồng bà Hưng đi làm hồ nhưng dịch Covid-19 ập đến, cũng như nhiều người khác công việc ông bị ngưng trệ, ở nhà là chính.

“Lúc đầu, chính quyền giao nền không cho sang bán, chủ yếu cất nhà để ở. Nhưng do đa số là lao động nghèo, không có việc làm ổn định nên nhiều người bấm bụng sang bán lại đi nơi khác làm ăn, một số xây dang dở rồi bỏ trống. Nếu không cất nhà thì bị thu hồi đất lại nên gia đình phải vay tiền để làm, đến bây giờ vẫn chưa trả hết cả gốc lẫn lãi. Con đường lộ trong khu dân cư này trước giờ cũng chưa nâng cấp, trời nắng thì đỡ, trời mưa đi lại rất bất tiện”, bà Dương Thị Kim Hưng bộc bạch.

Do thiếu việc làm

Thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nhà ở Khu dân cư vượt lũ ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, đóng cửa. Càng vào sâu khu dân cư, một điều dễ nhận thấy là đường sá nhỏ và xuống cấp gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân.

Tại Khu dân cư vượt lũ ở thị trấn Cây Dương và xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo người dân khu vực, việc các hộ dân cho thuê, sang bán, chuyển nhượng nhà trong khu dân cư vượt lũ rất nhiều, hầu hết bán qua giấy tay thậm chí không có xác nhận của chính quyền địa phương.

 Ông Trần Quốc Khanh, một người dân ở đây, chia sẻ: “Khi bắt đầu có khu dân cư, nhiều hộ vô mua nền, cất nhà. Người thì mua bằng tiền túi, người thì đi vay mượn để mua rồi cất nhà. Khi nhà hoàn thiện thì sang tay nhau hoặc sang ngay lúc nhận nền. Các bên tự thương lượng giá cả và chỉ có giấy tay”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Đương, Trưởng ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, những bà con về ở tại khu dân cư vượt lũ phần lớn có thu nhập thấp, ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, không có chỗ ở nên được dời về đây. Theo thống kê danh sách của địa phương thì có 183 khẩu, nhưng thực tế cư trú tại Khu dân cư vượt lũ xã Tân Bình chỉ có 143 khẩu.

“Ở khu dân cư không có xí nghiệp, công ty mà chỉ toàn nhà ở, nhiều người thất nghiệp nhưng phải vừa trang trải chi phí sinh hoạt, tiền nợ ngân hàng lúc mua nhà nên phải bỏ nhà đi làm thuê nơi khác”, ông Trần Văn Đương cho biết thêm.

Theo số liệu từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, 2 cụm dân cư vượt lũ ở thị trấn Cây Dương và xã Tân Bình có tổng cộng 680 nền. Thế nhưng, hiện chỉ có khoảng 60% cất nhà để ở. Những căn nhà bỏ hoang rất dễ nhận ra vì “cửa đóng, then cài”, nhiều nhà tường nứt nẻ, phía trước cỏ mọc um tùm… Qua nắm bắt của địa phương, có khoảng 10% người dân đã bán sang tay.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: Dù địa phương cấm không cho bán nền trong khu dân cư vượt lũ nhưng thực tế tình trạng này đã xảy ra. Bất cập hiện nay, người dân chỉ giao dịch qua giấy tay, không ra chính quyền địa phương công chứng nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Bà con vốn đã quen với điều kiện, tập quán mưu sinh gắn liền với cuộc sống sông nước, khi dời vào khu dân cư vượt lũ thì vấn đề việc làm lại là trở ngại lớn với nhiều người. Bên cạnh đó, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Đó là lý do khiến nhiều người vẫn chưa mặn mà với các khu dân cư vượt lũ không chỉ ở Hậu Giang mà ở các tỉnh miền Tây.

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Bài 2: An cư phải gắn với lạc nghiệp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>