Chăm sóc cây xanh: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

28/03/2023 | 19:41 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến phát triển cây xanh, nhờ đó hệ thống cây xanh từng bước tăng dần cả về số lượng, chủng loại cây trồng, góp phần tạo điểm nhấn cho các tuyến đường, khu đô thị. Dẫu vậy, một số nơi ý thức người dân chưa cao trong việc giữ gìn, làm cây bị yếu, chết...

Nhiều người xót xa cho những cây hoa hoàng yến đang trổ bông rực rỡ bị lửa cháy sém.

Xót xa

Những ngày qua, nhiều người di chuyển trên Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) không khỏi xót xa cho những cây hoa hoàng yến đang trổ bông rực rỡ bị lửa cháy sém, một số có dấu hiệu chết. Người dân địa phương cho biết, cây được trồng từ năm 2015, bắt đầu cao lớn và trổ nhiều hoa từ năm 2019 tới nay.

Trước tình trạng người dân có ruộng dọc theo tuyến đường sau khi thu hoạch lúa Đông xuân xong đã đốt đồng, xử lý đất chuẩn bị vụ mới làm lửa cháy lan, lớp thực bì và các cây hoa hoàng yến (nằm cạnh lề lộ) cháy sém, sáng ngày 21-3, lãnh đạo UBND huyện Vị Thủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xuống làm việc với các xã có tình trạng người dân đốt đồng làm cháy cây hoa hoàng yến dọc theo Quốc lộ 61C đoạn qua địa bàn huyện để có hướng xử lý. Yêu cầu các xã làm báo cáo, tổng hợp số lượng cây, mức độ để có báo cáo cụ thể. Trước mắt, qua ghi nhận tình trạng cây hoa hoàng yến bị cháy chủ yếu nằm trên địa bàn 4 xã là: Vị Trung, Vị Đông, Vị Thanh, Vị Bình, trong đó nhiều nhất là xã Vị Thanh.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: Trước mắt UBND huyện chỉ đạo cho xã rà soát xong các hộ rồi làm biên bản xử lý, cảnh cáo. Có một vài cây cháy nặng quá chắc khó sống, nhưng cũng có một số cây khả năng còn sống được.

Qua làm việc với các xã, ông Huỳnh Văn Tuyển, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vị Thủy, chia sẻ: Ý thức người dân chưa cao, đốt đồng từ trên gió lùa xuống làm lửa cháy cây, héo, kiệt sức. Vì vậy, yêu cầu các xã lập biên bản, cảnh cáo, nhắc nhở là chủ yếu. Còn đối với những hộ có ruộng cặp Quốc lộ 61C chưa đốt, địa phương tuyên truyền, giúp người dân có ý thức bảo vệ cây xanh. Về phía phòng sau khi tổng hợp báo cáo sẽ làm việc với đơn vị chăm sóc cây xanh, để cắt tỉa những nhánh chết và chăm sóc để cây phục hồi. Trước đây, địa phương có cho các hộ dân làm cam kết không được đốn hạ, chặt phá, đốt đồng làm cháy và bây giờ cũng sẽ cho làm cam kết mới lại hết.

Còn tại huyện Châu Thành A, ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Những năm trước tình trạng người dân đốt đồng làm chết cây xảy ra nhiều, nhưng thời gian gần đây đã giảm, do địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi đốt phải canh gió để bảo vậy cây. Tuy vậy, cũng có nhiều người vô ý đốt không canh gió nên xảy ra tình trạng cây hoa hoàng yến bị cháy sém.

Để Hậu Giang thêm xanh

Từ trên cao nhìn xuống, thành phố Vị Thanh được bao quanh bởi những hàng rào cây xanh cao vút, nối nhau qua khắp các tuyến đường. Cây xanh mang lại bầu không khí trong lành, tạo bóng mát trong những ngày oi bức. Đồng thời, cây xanh trồng trong các công viên là địa điểm lý tưởng để người dân thành phố đến vui chơi và thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, cây xanh càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc điều hòa không khí.

Tại Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 và Western Pearl 2, thành phố Vị Thanh, mảng xanh đô thị luôn được phía công ty chú trọng thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, chia sẻ: “Chúng tôi xác định rất rõ đô thị xanh không chỉ thuần túy là màu xanh đô thị mà làm sao những người sinh sống trong đô thị thật sự coi đây là một môi trường, một không gian sống. Không phải đưa rừng vào thành phố mà thành phố đặt trong rừng bất kỳ một gia đình nào, ở một góc nào đó đều được hưởng lá phổi, không gian xanh”.

Nói về quan điểm phát triển cây xanh của thành phố, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho rằng phát triển thành phố Vị Thanh đặc biệt là mảng xanh đô thị, đây là lĩnh vực thành phố rất quan tâm. Do đó, tất cả các công trình xây dựng, các công viên luôn được chăm sóc, tu bổ và quản lý các cây xanh. Nếu chúng tôi phát hiện các cây xanh bị di dời, đặc biệt là các cây xanh trước nhà dân nếu cây chết chúng tôi xem xét đến nơi, đến chốn.

Thời gian qua, thông qua các cuộc vận động như: “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; trồng cây ứng phó với biến đổi khí hậu - “Mỗi vận động viên chạy - Một cây xanh được trồng”; trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới… thì hoạt động trồng cây xanh đã lan rộng khắp, góp phần xây dựng một Hậu Giang xanh, đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Tới đây, tỉnh cũng phát động kế hoạch trồng cây xanh gắn với mỗi con người Hậu Giang, nghĩa là 730.000 dân sẽ trồng 730.000 cây xanh, tuyến đường nào trồng cây gì, theo từng vùng đất, dân cư cho phù hợp…

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích