Chăm lo nạn nhân da cam trong dịch bệnh

10/08/2021 | 08:24 GMT+7

Năm nay, các hoạt động họp mặt, gặp gỡ nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và 15 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin tỉnh Hậu Giang đã bị hoãn. Các cấp hội vẫn có nhiều hình thức chăm lo, giúp đỡ kịp thời cho các nạn nhân trong lúc khó khăn này.

Hội Nạn nhân CĐDC - Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp trao quà cho chị Phạm Thị Út, nạn nhân CĐDC ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.

Một hành trình nhiều ý nghĩa

Ngày 28-6-2006, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hậu Giang được thành lập và được công nhận là thành viên của Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin Việt Nam. Khi mới thành lập, hội hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn. Nhưng với tấm lòng “Vì nạn nhân da cam”, các cấp hội đã phấn đấu, giúp tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Qua 15 năm, Tỉnh hội đã tập hợp và phát triển 3.898 hội viên, vận động thành lập 13 tổ tình nguyện vì nạn nhân CĐDC với 143 thành viên và tổ chức 3 ban chấp hành hội cơ sở cấp xã.

Trong những năm qua, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương Hội và của tỉnh, các cấp hội đã chủ động làm tốt công tác vận động các nguồn lực. Trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chung tay đóng góp cho hội, giúp đỡ chăm lo cho nạn nhân CĐDC. Tổng số tiền và hiện vật quy thành tiền trị giá hơn 100,5 tỉ đồng đã được các cấp hội sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Cụ thể, các cấp hội đã tiến hành thăm hỏi, trao tặng 308.018 phần quà và 2.512 suất học bổng; hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi và trợ cấp khó khăn cho 783 người; xây dựng và sửa chữa 354 nhà tình thương; khám bệnh cấp thuốc miễn phí, mổ mắt đục thủy tinh thể cho 30.017 lượt người. Ngoài ra, còn hỗ trợ nhiều quần áo, tập sách, xe đạp, xe lăn, xe lắc,... cho các nạn nhân và gia đình của họ. Vận động mạnh thường quân xây dựng một cây cầu và làm lộ xi măng 500m. Đến nay, đã có 729 trường hợp người có công cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được hưởng chính sách ưu đãi và được cấp thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, các cấp hội nạn nhân CĐDC/Dioxin trên địa bàn tỉnh còn tích cực phối hợp với báo, đài để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về thảm họa da cam. Trong các cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân, các cấp hội trong tỉnh luôn nhiệt tình ủng hộ, tích cực đóng góp. Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hậu Giang: “Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin của tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ lớn. Tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh triển khai sâu rộng các văn bản liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân CĐDC như: Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 02 của Tỉnh ủy, Công văn số 988 và Kế hoạch số 82 của UBND tỉnh, các văn bản của Trung ương Hội,… Tập trung vận động các nguồn lực đóng góp cho Quỹ vì nạn nhân da cam. Bên cạnh đó, kiện toàn các cấp hội và phát triển hội viên, rà soát và nắm lại các trường hợp bị nhiễm CĐDC mà chưa được hưởng chính sách, làm thủ tục để họ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định”.

Tích cực chăm lo cho nạn nhân trong mùa dịch

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết thêm: “Do dịch Covid-19, hoạt động họp mặt kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam gắn với 15 năm thành lập Tỉnh hội và Hội nghị Điển hình tiên tiến tạm thời đình lại chờ điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, Tỉnh hội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phân bổ hơn 300 phần quà cho các huyện, thị, thành phố để trực tiếp đến tận nhà, thăm hỏi, động viên các nạn nhân, giúp nạn nhân vượt qua dịch bệnh”.

Với tinh thần đó, các hội cấp huyện đã có nhiều biện pháp linh hoạt để hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân trong dịch bệnh. Ông Trần Văn Sắc, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi thị xã Long Mỹ, cho biết: “Với 20 phần quà được phân bổ, Huyện hội đã tranh thủ giao về các xã, phường. Sau đó, cán bộ phụ trách cấp cơ sở đã thay Huyện hội đi trao quà tận nhà cho các nạn nhân. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc cấp quà cho các nạn nhân trong đợt này”. Tại huyện Phụng Hiệp, công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam trong mùa dịch cũng được thực hiện tốt. Với 60 phần quà được phân bổ, huyện đã tiến hành đi trao tận tay cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Nhận phần quà trị giá 400.000 đồng, bà Đặng Thị Mành, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vui mừng chia sẻ: “Trước đây, cả gia đình đều sống vào nguồn thu nhập từ việc bán bánh bò dạo của tôi. Nhưng bây giờ dịch bệnh không buôn bán được nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cũng nhờ có chế độ trợ cấp dành cho nạn nhân chất độc da cam và người nuôi dưỡng, sự quan tâm của hội, của chính quyền địa phương mà gia đình tôi vượt qua được giai đoạn này”. Được biết, chị Nguyễn Thị Cẩm Thu, con gái bà Mành năm nay đã 26 tuổi, nhưng do bị nhiễm chất độc da cam nên mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người thân.

Bên cạnh đó, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã và đang lên kế hoạch để việc trao quà đến với các nạn nhân sớm nhất có thể, góp phần giúp đỡ họ vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Ngày Vì nạn nhân da cam

 

Ngày 10-8-1961, chuyến bay rải chất khai quang, diệt cỏ của Không lực Mỹ lần đầu tiên được thực hiện dọc theo Quốc lộ 14 thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Mở ra cuộc chiến tranh hóa học kéo dài 10 năm (1961-1971), để lại nhiều hậu quả cho các thế hệ người dân và môi trường Việt Nam.

Ngày 25-6-2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10-8 hàng năm là Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Ngày 10-8 năm nay là ngày kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>