Cao quý nghề công tác xã hội !

24/03/2023 | 10:14 GMT+7

Những người làm nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh luôn tận tình hỗ trợ những người yếu thế, những hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dẫu có vất vả, khó khăn nhưng họ luôn tự hào và cống hiến với nghề đầy ý nghĩa này.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tận tình chăm sóc bệnh nhân tâm thần và người lang thang cơ nhỡ.

Tích cực hỗ trợ người yếu thế

Gắn bó với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh từ những ngày đầu mới tiếp nhận từ Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ (tháng 8-2015), anh Nguyễn Hồng Phê, nhân viên chăm sóc luôn tận tình hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần được nuôi dưỡng tại trung tâm.

Công việc của anh bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tận chiều tối, có khi còn đến tận khuya, nhưng anh luôn sẵn lòng, không hề than vãn. Anh Phê chia sẻ: “Lúc mới vào nghề, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế, những tình huống có thể xảy ra, bởi môi trường làm việc ở đây rất đặc biệt. Song khi tiếp xúc với những bệnh nhân tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ bởi những hành động bất ngờ của họ”. Hành động bất ngờ mà anh Phê nói đến là bệnh nhân la hét, giận dữ, thậm chí giơ tay định đánh... Vượt qua những khó khăn bước đầu anh Phê đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ngần ấy năm gắn bó với nghề, bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, ngoài trách nhiệm với công việc, anh Phê luôn xem những bệnh nhân ở trung tâm như người thân mà tận tình chăm sóc. Đến nay, anh vẫn nhớ như in ngày anh cứu một bệnh nhân ở trung tâm. Theo lời kể của anh, hôm ấy, sau khi vừa ăn cơm trưa xong, anh P.T.K. (bệnh nhân tâm thần) đột ngột ngã xuống. Lúc đó, anh lập tức sơ cấp cứu cho anh K.. Tuy nhiên, anh K. vẫn chưa tỉnh lại. Trên đường đưa anh đến trung tâm y tế cấp cứu, thấy tình trạng bệnh nhân không có chuyển biến tích cực, thậm chí xấu đi, anh vừa ép tim và hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân. Sau 3 lần hô hấp nhân tạo, bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại. “Nói thật, lúc đó tôi không còn sợ gì nữa, bởi bệnh nhân có thể có nhiều thứ bệnh trong người, nhưng cứu người là quan trọng nhất. Tôi chỉ cầu mong bệnh nhân mau tỉnh lại”, anh Phê nhớ lại.

Hành động cứu người kịp thời của anh đã được các cấp lãnh đạo khen ngợi và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ngoài tận tình chăm sóc bệnh nhân, mỗi khi có bệnh nhân bệnh phải đi điều trị ở trung tâm y tế hoặc bệnh viện mà không có người chăm sóc, anh Phê luôn sẵn sàng đi theo để phục vụ bệnh nhân. Anh Phê chia sẻ: “Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe. Dù công việc có nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi tin rằng, những ai có tâm với nghề sẽ làm tốt công việc này”.

Còn anh Lê Văn Thừa, cộng tác viên công tác xã hội xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, bày tỏ: “Do tôi là cán bộ văn hóa xã hội nên khi nhận thêm nhiệm vụ làm cộng tác viên công tác xã hội có nhiều thuận lợi, bởi tôi hiểu rõ hoàn cảnh của các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Khi phát hiện những người cần trợ giúp, tôi sẽ đến khảo sát, xem xét, xác định vấn đề họ đang gặp phải để tìm ra hướng giải quyết, đó có thể là trợ giúp thụ hưởng chính sách xã hội, cũng có thể là kết nối với các tổ chức từ thiện để trợ giúp vật chất, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của những người yếu thế…”. Trong công việc, anh luôn tích cực nhiệt tình; với người cao tuổi neo đơn anh thường xuyên trò chuyện, động viên họ; với trẻ mồ côi anh tìm cách kết nối để hỗ trợ về vật chất cho các em. Những công việc không tên ấy cứ bám lấy anh từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng với anh có thể chia sẻ, giúp đỡ người người yếu thế là niềm vui.

Thấu hiểu, sẻ chia, kết nối, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để họ tự vươn lên trong cuộc sống… là những công việc rất đặc thù của những người làm nghề công tác xã hội.

Hướng đến chuyên nghiệp

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh.

Trước khi thực hiện đề án, tỉnh không có cơ sở trợ giúp xã hội công lập, chỉ có 2 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là Nhà Nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai Vị Thanh (thành phố Vị Thanh) và Nhà Nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai Cần Thơ (huyện Châu Thành A). Những người lang thang, trẻ em cơ nhỡ phải nhờ các cơ sở bảo trợ xã hội ở thành phố Cần Thơ tiếp nhận chăm sóc. Đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên của tỉnh chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng cơ bản nên hoạt động thiếu bài bản, chuyên nghiệp.

Đến nay, mạng lưới công tác xã hội của tỉnh từng bước phát triển, với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 6-2020, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được dời từ trụ sở cũ ở phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy về ấp 2, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy. Trung tâm được xây dựng với diện tích trên 4ha, kinh phí gần 62 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 13 bệnh viện, trung tâm y tế có phòng hoặc tổ công tác xã hội, có 117 cộng tác viên. Ngành giáo dục và đào tạo đã bố trí 317 giáo viên kiêm nhiệm công tác xã hội tại trường học từ bậc tiểu học đến THCS. Các huyện, thị xã, thành phố đều có người kiêm nhiệm làm công tác xã hội. Mỗi xã, phường, thị trấn có 1 cộng tác viên công tác xã hội với nhiệm vụ rõ ràng và được hưởng phụ cấp 1.0 mức lương cơ sở/người/tháng.

Theo ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: Trung tâm đã và đang triển khai nhiều hoạt động như chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, còn phối hợp với UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy thực hiện thí điểm mô hình Cung cấp dịch vụ công tác xã hội với chủ đề “Phía sau bạn có tôi”, tại ấp 5, thị trấn Nàng Mau. Các thành viên tham gia mô hình sẽ thực hiện các hoạt động tham vấn trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho người dân khi có nhu cầu; tư vấn hỗ trợ các quy định của pháp luật cho những người yếu thế và những người khác có nhu cầu; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe; cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu khi có nhu cầu; kết nối người có nhu cầu trợ giúp và người cần trợ giúp...

Những năm qua, công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội cho cán bộ, viên chức, nhân viên trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh tổ chức 22 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác xã hội với trên 3.400 lượt cán bộ tham gia tham dự và 10 cán bộ được học lớp quản lý nghề công tác xã hội cấp cao. Tổ chức 1 lớp trung cấp nghề công tác xã hội, có 46 học viên hoàn thành khóa học và 1 lớp nghiệp vụ với 75 cộng tác viên tham dự.

Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Để thực hiện được tốt việc chăm sóc, hỗ trợ những nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội đến người dân, để mọi người hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của nghề này. Phối hợp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Rất cần sự quan tâm đầu tư của trung ương, tỉnh và ủng hộ của cộng đồng…

Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>