Vị Thanh hình thành và phát triển: Các loài cá sông, cá đồng tiêu biểu của đất Vị Thanh

19/08/2021 | 18:23 GMT+7

Thời xưa, người ta nói, vùng U Minh “cá nhiều như lá rừng”. Đất Vị Thanh - Hỏa Lựu cạnh rừng U Minh, cũng là vùng đất của tập hợp nhiều loại cá sông, cá đồng, tôm, cua, lươn, ếch... Đây được xem là loại sản vật đặc hữu mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng đất Vị Thanh.

Người dân bắt cá đồng vào mùa nước nổi tại phường III, thành phố Vị Thanh. (Ảnh chụp trước khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ)

Cá hô

Thuộc họ cá chép, xưa sống nhiều ở sông Cái Lớn, Cái Tư, vô sâu tận kinh xáng Xà No hay các kinh rạch nhỏ để tìm thức ăn hay sinh sản. Cá hô thích đùa giỡn, nhào lộn trên mặt nước như cá heo trông rất lạ mắt. Đến những năm giữa cuối thế kỷ XX, người ta còn đi câu, lưới, dỡ chà bắt được cá hô tại các sông, rạch ở đây. Loài cá hô có con nặng tới hàng trăm ký, dài 2-3m. Năm 1983, có người bắt được cá hô cỡ 80-90kg tại vàm xáng Hỏa Lựu, xẻ thịt đem bán tại chợ Vị Thanh.

Cá mập

Nhiều vị cao niên kể lại, đến thời kháng Pháp, sông Cái Lớn vẫn còn cá mập sinh sống. Tuy nhiên, không có cá lớn mà chỉ có cá nhỏ, chừng 5-7kg. Đây là loài cá dữ hay tấn công người đi câu lưới, tắm sông, dỡ chà…

Cá nượt

Thân to, dài, có vú, dân gian hay kêu là “ông nượt”. Đây là loài cá hiền, gần gũi con người hay đùa giỡn khách thương hồ. Thỉnh thoảng chúng hay nổi lên ở sông Cái Lớn. Thời chiến tranh, bom đạn, tàu ghe chạy nhiều động nước nên người ta không còn thấy cá nượt xuất hiện.

Rái cá

Đây là loài chuyên lặn hụp dưới nước để bắt cá, thường ở trong mương, đìa, vũng nước sâu. Hình thù rái cá xấu xí, đen đúa, hung dữ. Trong mương vườn, vài con rái cá có thể ăn sạch hết cá chỉ vài ngày. Rái cá sinh sống ở vùng Vị Thanh cho tới những năm cuối thế kỷ XX thì số lượng ngày càng giảm, gần như tuyệt tích.

Cá nước ngọt

Có tới cả trăm loài, sinh sống trên đồng ruộng, mương vườn nhà hoặc các kinh, rạch Vị Thanh - Hỏa Lựu; nhiều nhất là các loài cá trê, lóc, cá rô, cá sặc, cá thát lát, cùng các loài tôm càng, tép, lươn, ếch… Mùa nước nổi còn có cà mè vinh, cá rô biển và nhiều loài cá khác.

Cá sinh sôi phát triển ở Vị Thanh - Hỏa Lựu, cũng như toàn vùng bờ Tây sông Hậu, từ Châu Đốc xuống Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau. Cuối mùa khô, đầu mùa mưa, vào tháng 4-5 âm lịch, mưa xuống, nước lên đồng, vô ao, mương cũng là lúc cá theo nước đẻ trứng, nở con. Đến khi nước nổi, cá lớn lên, sống chung với ruộng lúa. Nhà nông tỏa đi giăng lưới, cắm câu, đặt lờ bắt cá. Người ta còn đào đìa sâu cho cá ở.

Khoảng tháng 10 âm lịch, cá theo con nước rút xuống sông, rạch, kinh, một phần ở lại các đìa, vũng… Nhà nông chỉ đợi lúc thuận tiện sẽ tát đìa bắt cá bán cho thương lái, hay để làm mắm ăn suốt năm. Song song đó, loài lươn sinh sôi, lớn lên trong các mương vườn người ta chế ra cái ống trúm (bằng tre) đặt bắt lươn, thành nghề đặt trúm, cũng mang lại nguồn lợi đáng kể.

Có thể nói, sau lợi ích về cây lúa, nghề đánh bắt cá đồng ở Vị Thanh - Hỏa Lựu từ xa xưa đã thành nguồn lợi kinh tế cao. Dần dần, dân cư đông đúc người đánh bắt cá càng nhiều, theo lối tận diệt; đồng ruộng sử dụng nhiều phân bón, hóa chất… nên số lượng cá đồng ngày càng giảm mạnh, nhà nông chuyển sang cung cách nuôi cá trong ao, mương gia đình hay nuôi xen trên ruộng lúa.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>