Tri ân Tổ nghề, thêm niềm tin bước tiếp

17/09/2021 | 08:26 GMT+7

Những năm trước, cứ đến 12-8 âm lịch, những người gắn bó với sân khấu tụ họp cùng nhau tưởng nhớ Tổ nghề, cùng chia sẻ những sản phẩm mới, dự định sẽ làm để cống hiến cho nghệ thuật. Năm nay, không thể làm được điều này, tất cả có cách tưởng nhớ khác...

Ngày Giỗ Tổ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh vào năm trước…

Tưởng nhớ Tổ nghề trong tâm

Ngày 12-8 âm lịch năm nay là ngày thứ bảy, 18-9. Thông lệ hàng năm, đây là dịp để những người làm sân khấu hội tụ về Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, biết ơn Tổ nghề - “người” đã dày công sáng lập và truyền lại cho đời sau để những nghệ sĩ, những người tham gia biểu diễn trực tiếp trên sân khấu có dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ những câu chuyện nghề, câu chuyện về cuộc sống, những khó khăn, trăn trở…

Thói quen tốt đẹp này đã không thể thực hiện được trong lần này, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Là người phụ trách chỉ đạo mảng nghệ thuật, cũng là một người làm công tác sân khấu lâu năm, ông rất hiểu tâm tư, tình cảm của những người làm sân khấu. “Vì tình hình chung, chúng tôi chia sẻ với anh em nghệ sĩ, những người làm ở lĩnh vực sân khấu trong toàn tỉnh, mong rằng mỗi người đều hướng về Tổ nghề bằng cái tâm trong sáng, bằng niềm say mê và cống hiến, tiếp tục đào sâu suy nghĩ, nỗ lực học tập để nâng cao tay nghề, đó chính là món quà quý giá, ý nghĩa nhất”, ông Tùng chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với sân khấu, với công việc chính là biểu diễn đến dàn dựng, biên đạo múa Trần Hạnh (thành phố Ngã Bảy), chia sẻ: “Dù có một chút buồn vì không gặp được đồng nghiệp nhưng đó là tình hình chung, phải chấp nhận. Tôi vừa kịp hoàn thành bài vọng cổ với thông điệp kêu gọi mọi người hãy đồng tâm hiệp lực, đoàn kết chung tay khắc phục khó khăn, chia sẻ thương yêu để góp phần chiến thắng dịch bệnh. Tôi nghĩ đây là hành động thiết thực, là món quà dâng lên Tổ nghề xứng đáng nhất”.

Với nghệ sĩ Ánh Hồng, Đoàn ca múa nhạc dân tộc, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Ngày Sân khấu Việt Nam rất có ý nghĩa. Chị luôn trân trọng, trước đây dù bận đến mấy, cũng phải tìm về nơi đây, trước hết là để thắp nén hương dâng lên Tổ nghề với tấm lòng thành kính, sau đó là gặp gỡ đồng nghiệp, hàn huyên về chuyện nghề, cuộc sống. Trong tình cảnh hiện tại, các anh em trong đoàn vốn đã khó khăn, giờ không biểu diễn được, lại càng khó khăn hơn. Chị tiếp tục chia sẻ, động viên mọi người giữ vững niềm tin, cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chị Ánh Hồng bộc bạch: “Tôi tin là chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, để sân khấu tiếp tục sáng đèn. Chúng tôi lại có dịp đi biểu diễn phục vụ người dân. Mong rằng ngành sân khấu, biểu diễn tiếp tục được quan tâm, tiếp lửa, để anh em nghệ sĩ có thêm sức mạnh, niềm tin để nuôi dưỡng niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà”.

Câu chuyện về Tổ nghề sân khấu

Không phải ai làm ở lĩnh vực sân khấu đều hiểu về nguồn gốc của ngành sân khấu, cũng như các vị thánh được thờ là ai. Chỉ biết đây là ngày rất thiêng liêng với giới văn - nghệ sĩ.

Theo các nhà nghiên cứu về lĩnh vực sân khấu, có rất nhiều giai thoại về ngày Giỗ Tổ của ngành sân khấu. Có giai thoại nhiều người tin nhất là câu chuyện về vị vua không con, tìm mọi cách để cùng tế trời, phật, mỗi lần cúng bái sẽ có người đóng vai thần tiên hát múa. Không lâu sau, hoàng hậu sinh hai người con trai và lớn lên, mê xem hát mà quên hết mọi chuyện. Bị cha cấm đoán, cả hai hoàng tử trốn vào bọng cây vông để theo gánh hát, không may xảy ra hỏa hoạn và cả hai bị chết cháy, nhằm vào ngày 12-8 âm lịch. Ngày này được chọn để thờ cúng Tổ nghề và người ta còn lấy gỗ vông để khắc thành những tượng nhỏ như búp bê để làm tượng Tổ là từ câu chuyện dân gian truyền lại này…

Một câu chuyện khác, nhiều người tin rằng Tổ của ngành sân khấu gồm ba vị là Tiên sư, Tổ sư và Thánh sư, gọi chung là Tam vị Thánh tổ. Tiên sư là vị khai sáng ra nghề, Tổ sư là người tiếp nối, lưu truyền nghề và Thánh sư là vị soạn giả có tài văn chương. Hay câu chuyện Tổ nghề gồm 3 ông: ông vua, ông ăn mày và ông ăn cướp. Đó cũng là lý do thời xưa, nghệ sĩ đại kỵ chuyện cho tiền người ăn mày, còn kẻ trộm, cướp sẽ không lấy đồ của các đoàn hát…

Mỗi nghệ sĩ sẽ có niềm tin riêng với một câu chuyện nhưng dù là từ câu chuyện nào, thì đây vẫn là ngày truyền thống và ý nghĩa, những người làm sân khấu phải nhớ, để tri ân những người đã khai sinh ra ngành. Qua đó, có trách nhiệm tiếp tục giữ gìn, phát huy.

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định chọn ngày 12-8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó đến khi chưa có dịch bệnh, ngày này được tổ chức hoành tráng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

 Xưa kia, đây là ngày Giỗ Tổ của những nghệ sĩ hát tuồng (hát bội), cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Ngày nay, với sự phát triển của ngành sân khấu, kịch nói, vốn du nhập từ phương Tây cũng chọn ngày này để tưởng nhớ Tổ nghề. Giới âm nhạc, gồm ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, thậm chí cả MC, người mẫu… cũng chọn ngày này để tưởng nhớ, tôn vinh nghề. Thế nên, ngày này đã trở thành ngày chung của giới sân khấu, tức của tất cả những người hoạt động biểu diễn…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>