Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

24/11/2021 | 19:20 GMT+7

Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh THU THỦY

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã nhấn mạnh đến tầm nhìn, khơi dậy tinh thần dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển và hội nhập của đất nước.

 “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đã thấy được sự quan trọng của văn hóa, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, phát triển và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với văn hóa. Mượn lời tiền nhân, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa còn là dân tộc còn. Lâu nay, một bộ phận cán bộ và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò soi đường quốc dân đi. Văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc. Mất văn hóa là mất đi dân tộc”. Đây là những điều được Tổng Bí thư nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu.

Tổng Bí thư còn dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi mọi người được sống trong tình thương, lòng nhân ái, sự công bằng. Tổng Bí thư đã đọc rất nhiều những bài thơ của Tố Hữu (“Việt Bắc”), Nguyễn Bính (“Chân quê”), lược lại lịch sử để thấy được quan điểm xuyên suốt của Đảng về xây dựng văn hóa và con người, chính là phải đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội.

"Sau 75 năm mới tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai

Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội, với hơn 200 đại biểu tham dự. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ của văn hóa mới: Lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh. Tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng”. Khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ, yêu cầu các nhà văn hóa “Hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”.

Như vậy 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất mới tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 2021 này.

Từ những nhận định toàn diện, Tổng Bí thư chỉ rõ những điều cần thực hiện để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến của người Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh xây dựng con người Việt Nam hiện đại gắn với giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; phát triển động bộ các lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn-nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong cách văn hóa của Bác, khắc phục tư tưởng “duy kinh tế” mà ít quan tâm đến văn hóa.

Văn-nghệ sĩ phải phát huy tài năng của mình bằng những tác phẩm chất lượng và vươn xa. Những người làm công tác văn hóa cần được đào tạo chuyên môn xứng tầm, hưởng những chính sách đãi ngộ, cần được tôn vinh tài năng, cống hiến. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở các vùng miền, kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại, tạo nên sức mạnh cộng sinh, góp phần vào sự phát triển của đất nước…

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh LÝ ANH LAM

Khơi dậy khát vọng sau 35 năm đổi mới và phát triển

Ngày 24-11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng… Tại điểm cầu trực tuyến Tỉnh ủy Hậu Giang có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, kết nối 8 điểm cầu trực tuyến tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Đường lối xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã luôn xác định: Đặt văn hóa là một trong ba “Mặt trận” quan trọng của cách mạng nước ta, bên cạnh và ngang hàng với chính trị, kinh tế, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hội nghị đã nghe báo cáo Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng phát triển văn hóa sau 35 năm, nghe tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Qua đây, gợi lên một bức tranh toàn cảnh khi nhìn lại thành tựu và thách thức của một chặng đường dài. Thành quả chính là nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục đổi mới, một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã được đưa vào các văn bản pháp luật, vào quy ước, hương ước, quy chế, quy định, nội quy của cơ quan, đơn vị, làng, xã…

Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật được nâng tầm thành di sản và được chú trọng giữ gìn những năm qua.​​​​​​

Phong trào Toàn dân đoàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng, đã có những kết quả nổi bật. Nếp sống văn minh trong cưới, tang có chuyển biến tích cực, lễ hội mang màu sắc mê tín giảm dần. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy với phát triển kinh tế-xã hội; huy động được nhiều nguồn lực để giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là những loại hình có nguy cơ mai một: hát Xoan, ca Trù, Chèo, Đờn ca tài tử Nam bộ… Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với thành tựu, hội nghị đã nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Trong đó, nhấn mạnh môi trường văn hóa, gia đình, nhà trường, xã hội có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa công cộng bị “thương mại hóa”; có nơi chưa đánh giá đúng vai trò của trí thức, văn-nghệ sĩ và vị thế của văn học nghệ thuật; đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Việc nhìn lại những thành tựu, cùng khó khăn, hạn chế để có giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung là xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ; xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước!.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào chiều ngày 24-11. Ảnh Báo Nhân Dân Online​​​​​​

"Cổ vũ cho sáng tạo, cái mới, miễn không đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc...

(HGO) - Buổi chiều ngày 24-11, Hội nghị tiếp tục với phần triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các tham luận xoay quanh vấn đề này. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì.

Chiến lược thể hiện 5 quan điểm lớn: Định hình văn hóa và xác định vị trí văn hóa; xây dựng và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; phát huy mọi nguồn lực để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh; chủ động hợp tác và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt, 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 5 di sản được được UNESCO ghi danh; 75% người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đươc hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí, kênh phát thanh, kênh truyền hình địa phương; 85% địa phương, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa; hàng năm có từ 10 đến 15 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật được công bố…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã có những chia sẻ xúc động về văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập, với những thuận lợi, bất cập, đòi hỏi phải đặt ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. “Cần phải khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển nhanh, bền vững; tiếp thu có chọn lọc cái mới để phát triển; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, cổ vũ cho sáng tạo, cái mới, miễn không đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trên tinh thần cầu thị, kiên trì. Các cấp, các ngành cần có sự vào cuộc, quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, đề cao giá trị dân tộc, cùng góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hiện đại, văn minh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

THU THỦY ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>