Tin vui cho đồng bào Khmer

15/10/2021 | 08:25 GMT+7

Loại hình nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Hậu Giang vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là tin vui, mở ra cơ hội để tỉnh nhà tiếp tục bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Trình diễn Aday tại chùa Khmer ở Hậu Giang. (Ảnh chụp trước đợt dịch)

Cơ hội để Aday không còn mai một

Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời, hình thức hát đối đáp của nam nữ Khmer Nam bộ, thường diễn ra tại lễ hội cộng đồng, nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc. Muốn hát Aday phải có nhạc cụ hỗ trợ, người hát sẽ vừa hát, vừa đối đáp đan xen nhau trên nền nhạc này. Nội dung của các bài hát thường là về tình yêu nam nữ, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu... Những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu, rất gần gũi nên khi có đôi nam nữ hát trên sân khấu trình diễn Aday, nhận được rất nhiều tiếng cười, tràng vỗ tay cổ vũ từ khán giả.

Loại hình này đang có nguy cơ mai một trong cộng đồng người dân tộc và trong những lễ hội cộng đồng, không còn thấy loại hình này được trình diễn, ngay cả trong các hội thi, hội diễn của đồng bào dân tộc. Từ đó, Hậu Giang mong muốn bảo vệ loại hình này, nên đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy. Sau 5 năm thực hiện, dù gặp không ít khó khăn, nhưng đã mở được 3 lớp tập huấn ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, chùa Khmer, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Đây cũng là điều kiện để Aday ở Hậu Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nỗ lực của những người làm công tác văn hóa ở Hậu Giang đã được ghi nhận!

Chuyện phát huy ở phía trước...

Sau khi 5 năm thực hiện Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020”, những người làm công tác văn hóa đã thấy được những khó khăn khi muốn phát huy loại hình này trong cộng đồng.

Đầu tiên là có quá ít người Khmer biết, còn người biết đa phần là những cụ ông, cụ bà rất lớn tuổi. Lực lượng trẻ đi làm ăn xa nhiều, nên nếu thành lập các câu lạc bộ để tập luyện thường xuyên cũng khó. Đặc biệt, hát phải kèm với đàn, mà phải có từ 2 đến 3 nhạc cụ, nên phải đào tạo nghệ nhân đàn trước, mới có thể phát huy được. Tất cả khó khăn đã được vạch ra và giải pháp được thực hiện sau đó...

Với hơn 100 học viên người dân tộc, phần lớn là học sinh và những người dân đầy tâm huyết, muốn phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tham gia đề án, các lớp tập huấn nhiệt tình trong suốt thời gian qua, đã thắp thêm niềm tin cho những người làm công tác văn hóa, văn nghệ.

Việc xây dựng câu lạc bộ Aday, tập hợp được những người biết hát Aday, đặc biệt là biết đờn là điều kiện tiên quyết, nếu muốn phát huy loại hình này trong cộng đồng. Đây là việc làm không dễ, đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đồng bộ, để có thể tìm kiếm những người biết, yêu thích, muốn chung tay phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này để xây dựng câu lạc bộ, quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi để các câu lạc bộ phát huy, vừa tạo sân chơi cho người dân trong cộng đồng, vừa tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Aday chỉ có thể tồn tại và phát triển khi chính người dân muốn giữ gìn, phát huy.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi tổ chức lồng ghép các tiết mục Aday trong các chương trình nghệ thuật trong tỉnh, nhất là những chương trình biểu diễn tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ hàng năm… Cùng với đó, sẽ chỉ đạo Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh xây dựng các câu lạc bộ hát Aday ở vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống dưới hình thức độc lập hoặc lồng ghép”.

Việc nghiên cứu để tiếp tục mở những lớp truyền nghề là đặc biệt cần thiết, nhất là nghệ nhân đờn, tiếp tục đưa loại hình này được nhiều người biết, để không còn phải nói “mai một” mỗi khi nhắc đến Aday.

Bài, ảnh: VĨNH TRA

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>