Tâm huyết gầy dựng phong trào múa

12/08/2022 | 08:02 GMT+7

Phân hội múa là một trong 9 phân hội chuyên ngành, trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Với 17 hội viên, đội ngũ này đã tâm huyết, gầy dựng, thúc đẩy phong trào múa của tỉnh phát triển, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương...

Múa đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong các sự kiện, hội thi, hội diễn…

Nòng cốt phong trào múa

Trong tất cả các chương trình nghệ thuật, múa luôn chiếm một vị thế quan trọng, làm cho các tiết mục nghệ thuật thêm sôi động, nâng tầm chất lượng và tạo sự hào hứng cho người xem. Làm nên sự thành công này là các diễn viên múa, là những người trưởng thành từ phong trào cơ sở, được tạo điều kiện tập luyện. Đầu tàu để gầy dựng đội ngũ này chính là hội viên của Phân hội Múa. Dù lực lượng khá mỏng và có địa bàn vẫn chưa có hội viên, nhưng đội ngũ này bằng niềm đam mê, trách nhiệm, đã vượt qua khó khăn, thử thách, để duy trì phong trào…

Hơn 20 năm nay, CLB múa của biên đạo Trần Hạnh (thành phố Ngã Bảy), được duy trì và tập vào mỗi tối tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố Ngã Bảy. Sau bao năm cống hiến, chị đã về hưu và lo phát triển kinh tế riêng, cũng khá bận rộn, nhưng niềm đam mê múa chưa bao giờ cạn. Chị chia sẻ: “Tôi vẫn dạy múa cho những ai đam mê, rồi gom lực lượng lại để tập, diễn khi có nhu cầu. Việc nào cũng cực, nhưng vui. Được làm nghề, mình thấy tràn đầy năng lượng, cuộc sống thêm vui và ý nghĩa”…

Mỗi tối, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang là khoảng thời gian các cháu thiếu nhi, thanh thiếu niên có đam mê múa được tập luyện. Phụ trách nhóm múa này là vợ chồng biên đạo Hoàng Mẫn. Đây là hai hội viên năng động, tích cực, bằng tình yêu và trách nhiệm, thành lập CLB múa trong những năm qua, từ lớp dạy múa của mình, để không chỉ tạo sân chơi, chắp cánh cho những bạn trẻ yêu thích múa, mà còn gầy dựng phong trào.

Những hội viên này đã, đang và tiếp tục làm nòng cốt, duy trì phong trào múa ở địa phương. Những hội viên, tùy vào điều kiện, thời gian, bằng sự tâm huyết của mình, đã đóng góp công sức, góp phần đưa phong trào múa ngày càng phát triển, những tiết mục múa trong các chương trình nghệ thuật có sự tham gia của họ ngày càng được đánh giá cao.

NSƯT, biên đạo múa Nhật Danh (thành phố Cần Thơ), từng tham gia chấm nhiều hội thi, hội diễn ở tỉnh nhiều năm qua, nhận xét: “Bàn tay của các biên đạo múa ở tỉnh ngày càng được thể hiện đậm nét qua những tiết mục ca múa hoặc múa độc lập ở các hội thi, hội diễn. Tôi mừng vì thấy các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là các bạn trẻ thể hiện tài năng, sự sáng tạo và đang dần khẳng định mình. Một tín hiệu vui, tích cực cần được tiếp tục phát huy”.

Có sân chơi để sáng tạo, nâng tầm

Trong tất cả những chuyến thực tế sáng tác hay tham gia trại sáng tác, hội viên từng phân hội đều được tạo điều kiện ngang nhau, để họ có thể cọ xát và hình thành nên nhiều tác phẩm tốt và Phân hội Múa cũng không ngoại lệ.

Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 2 chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác ngoài tỉnh và hàng chục chuyến đi trong tỉnh. Do đặc thù khó có thể hình thành ngay những tác phẩm, nhưng các chuyến đi giúp họ có thêm những cảm nhận mới về cuộc sống, về những nét đặc trưng văn hóa các vùng đất mà mình đi qua, để có thể ghi nhớ và sáng tạo trong những tác phẩm mới. Biên đạo múa Hoàng Mẫn (thành phố Vị Thanh), chia sẻ: “Tôi thích sáng tác những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, nên khi sắp xếp được thời gian, là tôi tham gia các chuyến đi, điều đó đã tạo cho tôi thêm nguồn năng lượng mới, để thỏa sức sáng tạo”.

Không chỉ tạo điều kiện về chuyên môn, các hội viên còn được tạo sân chơi để thể hiện sự sáng tạo của mình. Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Phân hội múa có đặc thù riêng, khó có thể tổ chức một cuộc thi độc lập. Nhưng chúng tôi quyết tâm năm nay sẽ tổ chức, có thể kết hợp với các hội thi nghệ thuật của tỉnh dịp cuối năm hoặc tổ chức riêng lẻ khi có điều kiện, miễn sao tạo được sân chơi và kích thích sự sáng tạo, nâng tầm nghệ thuật cũng như góp phần phát triển phong trào múa ở địa phương”.

Cùng với việc tạo sân chơi, phân hội còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hội viên. Biên đạo múa Đỗ Đăng Nguyên Luân, Phân hội trưởng Phân hội múa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: “Các hội viên luôn được tạo điều kiện để phát huy sở trường, đủ điều kiện được giới thiệu để kết nạp vào hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Năm 2020, phân hội chỉ có 1 hội viên Trung ương, thì giờ đã là 4 và sắp tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị tiếp tục 2 hội viên nữa. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy, phát triển thêm hội viên, nhất là ở những địa phương vẫn còn trắng hội viên, góp phần làm cho phân hội ngày càng phát triển cả về số lẫn chất lượng”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>