Phát triển công nghiệp văn hóa: Nhiều thử thách

06/01/2023 | 09:28 GMT+7

Để kinh doanh được những sản phẩm văn hóa, văn nghệ là một câu chuyện dài, cần sự quan tâm, sự vào cuộc một cách đầy sáng tạo và có chuyên môn cao. Điều này đã được định hướng nhiều năm qua, nhưng Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Để kinh doanh được những sản phẩm văn hóa, văn nghệ là một câu chuyện dài... 

Chưa có công nghiệp văn hóa đúng nghĩa

Theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và thương mại GATT: Công nghiệp văn hóa là một phần của công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa là văn hóa, nghệ thuật, song quá trình tạo sản phẩm này không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, mà là bắt đầu từ sáng tạo để có một quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp, gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó. Từ đó, các ngành công nghiệp văn hóa là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Việc tồn tại các ngành nghệ thuật vẫn không đảm bảo rằng ngành này trở thành ngành công nghiệp văn hóa.

Như vậy, ở Việt Nam nói chung, Hậu Giang nói riêng, công nghiệp văn hóa vẫn còn là tên gọi, chưa có định hình. Phần các đơn vị lĩnh vực văn hóa là xây dựng sản phẩm để phục vụ công chúng, nên chưa có một quy trình đầy đủ để trở thành một sản phẩm đúng nghĩa theo quy luật vận hành của thị trường, để công chúng là người mua và thưởng thức sản phẩm.

Khó khăn lớn nhất vẫn là tìm doanh nghiệp đầu tư bài bản cho văn hóa. Ở Hậu Giang, hiện có 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 8 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, 61 trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, 514 nhà văn hóa, khu thể thao cấp ấp; 100% cấp xã, huyện, tỉnh có thư viện, tất cả đều do Nhà nước đầu tư. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức nhiều hội thi, hội diễn để rà soát đội ngũ làm văn hóa ở cơ sở, có sự hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để các đơn vị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh xây dựng chương trình nghệ thuật, tổ chức nâng chất các câu lạc bộ nghệ thuật, đờn ca tài tử, làm nòng cốt, tổ chức tập huấn, giao lưu với địa phương để tạo sân chơi, nâng cao trình độ chuyên môn cho các nghệ nhân, ca sĩ, diễn viên…

Đa phần là các chương trình nghệ thuật, công trình kiến trúc, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tượng đài; thiết chế văn hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm, về nguồn trên địa bàn đa phần phục vụ không thu phí…

Từng bước định hình...

Những năm qua, Hậu Giang thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với việc quảng bá hình ảnh, con người Hậu Giang đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nhất là các loại hình văn hóa phi vật thể, đang có nguy cơ mai một…

Trong khi việc thu hút doanh nghiệp đầu tư văn hóa, nghệ thuật còn khó, Hậu Giang đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, tạo nên những sản phẩm đa dạng, phục vụ công chúng. Đó là việc xây dựng chương trình nghệ thuật năm để lưu diễn phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chương trình nghệ thuật vào những dịp lễ, tết, có trực tiếp trên sóng HGTV; Đài cũng đã xây dựng chương trình “Thương lắm miền Tây”, phục vụ khán giả đồng bằng.

Các văn - nghệ sĩ cũng được tạo mọi điều kiện để sáng tạo, in ấn và phát hành tác phẩm thơ, văn, nhạc, nhiếp ảnh... Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: “Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi tập trung nâng chất các hoạt động văn hóa, văn nghệ để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng tầm hưởng thụ nghệ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá văn hóa nghệ thuật Hậu Giang trên mạng xã hội; các cuộc thi cũng được quay lại và phát trên các trang của các đơn vị trực thuộc”.

Để kinh doanh được những sản phẩm văn hóa, văn nghệ là một câu chuyện dài, cần sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc một cách đầy sáng tạo và có chuyên môn cao, tâm huyết và trách nhiệm của doanh nghiệp. Khó đầu tiên là Hậu Giang còn thiếu rất nhiều điều kiện để làm được một sản phẩm thu hút công chúng thật sự. Không chỉ cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ diễn viên, ca sĩ chưa là “sao” để có thể thu hút công chúng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh, quảng cáo, du lịch văn hóa... Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Phát triển thị trường tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng. Nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước...

Dù sự định hình chưa rõ rệt nhưng với sự quan tâm và định hướng lâu dài như đã nói, kỳ vọng công nghiệp văn hóa sẽ là ngành tạo ra nguồn thu không nhỏ!

  Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>