Những lời nhắn gởi nhân Ngày thơ Việt Nam

02/02/2023 | 18:38 GMT+7

Ngày thơ Việt Nam là ngày để những nhà thơ gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ những suy nghĩ, gởi gắm những tâm tư, tình cảm của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Âm nhạc sẽ góp phần chắp cánh cho thơ...”

- Tôi luôn trân trọng những giá trị của các văn nghệ sĩ khi sáng tác. Với người viết nhạc như tôi, ngoài việc tìm cảm hứng từ cuộc sống để sáng tác, tôi hay đọc thơ để nếu đồng điệu, sẽ nối dài những cảm xúc của nhà thơ, thành những giai điệu bay bổng.

Tôi từng khởi xướng phong trào phổ thơ cho Phân hội Âm nhạc, những năm trước đây, để các nghệ sĩ thêm gắn bó, cùng chia sẻ những cảm xúc, tạo nên những điểm sáng mới trong nghệ thuật. Qua đó đã có không ít bài thơ được âm nhạc chắp thêm đôi cánh để bay xa hơn trong khu vườn nghệ thuật. Tôi từng phổ nhạc 2 bài thơ “Mưa đầu mùa” của nhà thơ Sao Mai và “Nắng xuân về” của Nguyễn Kim Hương. Tôi đang quyết tâm tạo phát triển, khơi gợi, khích lệ sự sáng tạo cho Phân hội Văn học, bằng việc định hình và xây dựng trang văn nghệ học đường thành một sản phẩm riêng, phát hành song song với Văn nghệ Hậu Giang.

Nhà thơ Nguyễn Kim Hương: “Tô thắm thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc”

- Ngày thơ Việt Nam góp phần tô thắm thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc. Đây là ngày hội văn hóa rất ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị của thơ ca, là sân chơi đầy bổ ích đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca, nghệ thuật của công chúng. Ngày thơ Việt Nam còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai. Không khí của ngày thơ cũng tạo ra một nguồn năng lượng tích cực, dồi dào khích lệ người viết hứng khởi sáng tạo, đặc biệt với những người viết trẻ như chúng tôi.

Là những người viết trẻ, tôi sẽ cố gắng học hỏi, tích cực sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh. Giờ, tôi còn có thêm trọng trách nằm trong Ban chủ nhiệm CLB văn thơ học đường. Đây là sân chơi hay cho thầy cô giáo và học sinh yêu mến văn thơ; đích tập hợp, phát triển, ươm mầm tài năng sáng tác văn, thơ trong học đường. Tôi sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức những buổi sinh hoạt, giao lưu với các trường, khơi màu sáng tạo và tìm ra những hạt nhân mới.

Tác giả Huỳnh Hình Kim Ngọc: “Ngày thơ năm nay còn có ý nghĩa đặc biệt”

- Ngày thơ là dịp chúng tôi gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu những tác phẩm mới, dự định sáng tác mới. Ngày thơ năm nay còn có ý nghĩa đặc biệt, khi từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức trực tiếp, không trực tuyến như thời dịch bệnh những năm qua. Điều này làm chúng tôi thực sự hứng khởi và có rất nhiều cảm xúc. Tôi cũng sáng tác thơ, nhạc và viết bài vọng cổ. Thường thơ được phổ nhạc, chứ ít khi chuyển thể thành bài vọng cổ. Được sự gợi ý của cố nhạc sĩ Sơn Hà trong chuyến đi dự ngày thơ ở Kiên Giang, cùng các tỉnh, thành ĐBSCL cách đây hơn 6 năm, tôi tìm thấy được cảm xúc của tác giả Nguyễn Duy Dương trong này thơ “Tiếng gọi của sóng” và viết liền một mạch, được ca sĩ Hương Giang thể hiện đầy cảm xúc. Tiết mục này đạt huy chương bạc, làm tôi mừng rơi nước mắt. Giờ nhắc lại, tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn cảm xúc. Tôi cũng rất hay đọc thơ của đồng nghiệp, để tiếp tục tìm cảm xúc, có thể chuyển thể thành bài vọng cổ, hoặc nhạc…

Nhà thơ Trần Đông: Được quan tâm và tạo điều kiện để sáng tạo

- Sau 2 năm không tổ chức Đêm Nguyên tiêu vì dịch bệnh, năm nay, tôi rất vui và xúc động khi hoạt động ý nghĩa thường niên này lại được tổ chức. Đây là dịp để công chúng yêu thơ biết về những gương những tác giả trong tỉnh, được thưởng thức những sản phẩm đầy tâm huyết của họ cũng như nghe những chia sẻ về những dự định sắp tới.

Những năm qua, chúng tôi được quan tâm và tạo điều kiện để sáng tạo, đã khích lệ tinh thần văn nghệ sĩ rất nhiều. Là thành viên trong Ban Chấp hành Phân hội Văn học, tôi sẽ làm hết khả năng mình, để tạo thêm nhiều điều kiện để anh em nhà thơ, nhà văn được tiếp cận những kiến thức chuyên sâu để nâng tầm sáng tác; được đi thực tế nhiều hơn để trải nghiệm và đặc biệt là có thêm nhiều sân chơi để giới thiệu và học hỏi kinh nghiệm sáng tác của đồng nghiệp. Tôi cũng sẽ quan tâm đến bồi dưỡng, tạo sân chơi cho lực lượng sáng tác trẻ, nhất là lực lượng học sinh, giáo viên, khuyến khích học sáng tác, phát huy tài năng, góp phần xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ.

Nhà thơ Huỳnh Thị Nguyệt: “Đi tìm cảm xúc về sự thay đổi của quê hương sau 20 năm chia tách”

- Mỗi năm đến ngày này là trong tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Tôi nhớ đến những bài thơ bậc tiền bối, để thêm yêu thơ và xây dựng cho mình những cảm xúc mới, nóng, để viết lên những bài thơ phản ánh hơi thở cuộc sống. Lớn tuổi, nên điều kiện sức khỏe không thể đi thực tế nhiều, nhưng tôi cố gắng trong khả năng của mình, năm qua cũng đi được một chuyến đến Côn Đảo và một vài chuyến trong tỉnh để tìm cảm hứng và trải nghiệm cuộc sống. Năm nay, tôi cũng sẽ đi nhiều hơn, nhất là các địa phương trong tỉnh, để tìm cảm xúc về sự thay đổi của quê hương sau 20 năm chia tách.

Vì yêu thơ và chọn thơ là điểm tựa tinh thần, là nơi tôi trải lòng và cũng là nơi tôi tìm đến sự đồng cảm của các bạn thơ, tôi luôn quyết tâm hết sức vì sự phát triển của văn học của tỉnh. Trong những năm qua, văn thơ Hậu Giang có vẻ như chựng lại. Không phải vì hết đam mê, mà vì lớp tác giả đã lớn tuổi, sáng tác ít, lớp trẻ chưa được phát huy đúng hướng. Giờ, tôi vui khi Hội Văn học Nghệ thuật đang quyết tâm vực dậy lĩnh vực này. Bằng những việc làm thiết thực, như xây dựng trang văn thơ học đường thành bản tin, vừa ra mắt số đầu tiên; xây dựng câu lạc bộ văn thơ, văn thơ học đường và tổ chức những chuyến giao lưu đến các trường học trong tỉnh. Trong khả năng của mình, tôi sẽ tiếp tục đồng hành, tiếp tục góp sức vào sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

VĨNH TRÀ lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>