Kỳ vọng từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc

26/11/2021 | 08:28 GMT+7

Hậu Giang đã bảo tồn nhiều di sản văn hóa, trong đó có Đờn ca tài tử.

Với những người làm công tác văn hóa nói riêng và những văn - nghệ sĩ nói chung, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã mở ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra những thách thức với họ, đó là trong hành trình mới, làm sao để góp phần đưa văn hóa phục vụ sự phát triển quê hương, đất nước?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: “Mong muốn mở ra hướng đi cụ thể đối với các ngành công nghiệp văn hóa”

- 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên vào năm 1946, đây là hội nghị lần thứ 2. Hân hoan nhất là hội nghị đã nhấn mạnh xác định: Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đề cập tới nhiều nội dung lớn về xây dựng con người Việt Nam, chấn hưng văn hóa nước nhà, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp văn hóa. Ấn tượng mạnh của tôi còn là trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn, dân tộc còn!”, vừa nêu bật những thành quả về văn hóa sau 35 năm đổi mới, cũng vừa mạnh dạn chỉ ra những hạn chế. Tôi còn tâm đắc phát biểu tổng kết của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đã truyền đi nhiều cảm hứng qua lời kêu gọi: “… Tất cả các cấp, ngành chú trọng hơn và dành nhiều thời gian, nguồn lực cho văn hóa; lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu, những người hoạt động thực tiễn, người có kinh nghiệm trước khi đưa ra các quyết định, bởi văn hóa có trong mọi lĩnh vực đời sống…”.

Tôi kỳ vọng rằng sau hội nghị lần này, sẽ đề ra được nhiều giải pháp thiết thực, tạo ra sức bật mới trong không khí văn hóa toàn dân; tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa  cả nước, cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, việc xây dựng đời sống, môi trường văn hóa đi vào thực chất, chiều sâu với 3 trụ cột: văn hóa con người, văn hóa gia đình và văn hóa cộng đồng; khích lệ tinh thần sáng tạo của văn - nghệ sĩ, để làm ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, vươn ra tầm khu vực và thế giới; mở ra hướng đi cụ thể đối với các ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa ra đời.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:  “Việc quan tâm đầu tư cho văn hóa, văn nghệ sẽ có nhiều chuyển biến”

- Sau bao nhiêu năm chia tách, công tác văn hóa ở Hậu Giang có nhiều thành tựu, từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống, như đờn ca tài tử, các làng nghề, hát Aday, hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng từng bước nâng tầm, nhưng còn những điều hạn chế phải tiếp tục phấn đấu, vươn lên, đúng với kỳ vọng của Đảng, Nhân dân dành cho văn hóa.

Tôi tin tưởng sau hội nghị này, việc quan tâm đầu tư cho văn hóa, văn nghệ sẽ có nhiều chuyển biến, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng, để chúng tôi có đủ điều kiện triển lãm, tổ chức biểu diễn đa dạng, phong phú; những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật được quan tâm nhiều hơn, có thêm cơ hội học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, đủ sức làm tròn vai trò của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Đặt ra cho văn - nghệ sĩ nhiều nhiệm vụ quan trọng !”

- Từ hội nghị, đã đặt ra những vấn đề mà văn - nghệ sĩ chúng tôi phải suy nghĩ. Nhìn nhận một cách thực tế văn học, nghệ thuật Hậu Giang vẫn chưa phát triển xứng tầm, chưa có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Là một nghệ sĩ và là người trực tiếp kết nối, định hướng, hỗ trợ văn - nghệ sĩ trong tỉnh, tôi thấy thời gian tới nhiệm vụ của mình càng nặng nề hơn, để nâng tầm chất lượng cho các tác phẩm của văn - nghệ sĩ. Chúng tôi tiếp tục tạo nhiều điều kiện để mọi người được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, được đi thực tế sáng tác nhiều hơn để có trải nghiệm cuộc sống. Cùng với đó, sẽ phối hợp quảng bá tác phẩm bằng nhiều hình thức, trong đó tăng cường giới thiệu tác giả, tác phẩm trên trang fanpage Văn nghệ Hậu Giang vừa đi vào hoạt động.

Tôi kỳ vọng sau hội nghị lần này, văn - nghệ sĩ được quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn, bằng những quyết sách sát thực tế, tạo thêm động lực để sáng tạo nghệ thuật, từng bước nâng tầm, có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đi sâu vào phản ánh toàn diện, có chiều sâu, hòa vào dòng chảy văn học nghệ thuật khu vực, cả nước.

Nhà thơ Tuyết Băng, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Tin tưởng về sự vươn tầm của lĩnh vực văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật”

- Đối với giới văn nghệ sĩ chúng tôi, được dự hội nghị văn hóa toàn quốc lần này là một niềm vinh hạnh lớn lao. Chúng tôi được nghe lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá về thực trạng nền văn hóa, văn nghệ nước ta và những chỉ đạo, định hướng chiến lược trong thời gian tới. Đặc biệt, là sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, làm chúng tôi xúc động và nhận thấy mình cần cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong hoạt động nghệ thuật. Qua hội nghị lần này chúng tôi rất kỳ vọng với những quan điểm, mục tiêu giải pháp mà hội nghị đề ra, sẽ là nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về văn hóa trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nhất là kỳ vọng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật, để văn hóa được đặt đúng vị trí của mình “ngang hàng với kinh tế và chính trị” và “soi đường cho quốc dân đi”.

VĨNH TRÀ ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>