“Hậu Giang để lại cho tôi nhiều ấn tượng, lần đầu nghe chữ “chồm hổm”...

11/09/2023 | 08:34 GMT+7

Lần đầu tiên đến Hậu Giang, được khám phá, trải nghiệm, Ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, rất hào hứng và xúc động vì sự đón tiếp nồng hậu, cùng những trải nghiệm chưa từng có trong hơn 40 năm biết và gắn bó với Việt Nam.

Ngài Đại sứ Saadi Salama (đứng bìa trái) trải nghiệm tại Chợ nông thôn Vị Thanh.

Dịp này, Ngài Saadi Salama đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi trong sự cởi mở, thân tình.

Ngài chia sẻ: Tôi thật sự bất ngờ và rất trân trọng vì sự tiếp đón nồng nhiệt của lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, cũng như người dân ở thành phố Vị Thanh, nơi tôi được khám phá để cảm nhận rõ hơn về nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Lần đầu tiên đến đây, một tỉnh của Nam bộ, tôi thật sự ngạc nhiên vì thiên nhiên trong lành, hiền hòa. Người dân chất phác, bình dị. Cuộc sống ở nơi này thật yên ả, thanh bình.

Thưa Ngài, thời gian lưu lại không dài, vậy Ngài đã kịp khám phá điều gì ở nơi đây ?

- Tôi được đi vùng trồng khóm để tìm hiểu về sản vật đặc trưng của tỉnh, được đi thăm chợ nông thôn và lần đầu tiên biết đến chữ “chồm hổm” để chỉ cách ngồi bán đặc trưng của người dân. Sáng sớm, không khí mát mẻ, trong lành, được đi len lỏi để xem người dân mua bán các loại nông sản tự trồng, sản vật tự làm. Thật là lạ mắt và thú vị. Đây là lần đầu tiên tôi đi chợ như thế này.

Tôi còn thấy rất thú vị với hàng bánh dân gian rất đa dạng, đủ các loại bánh được bày bán. Nói chung, tôi có cảm giác vô cùng thích thú khi được trải nghiệm chợ độc đáo nhưng rất gần gũi này.

Thưa Ngài, được thưởng thức những món ăn từ sản vật của Hậu Giang, cảm nhận của Ngài như thế nào ?

- Ồ, nói về ẩm thực, tôi lại càng thích thú. Tôi được xem hơn 10 nghệ nhân ẩm thực trình diễn khoảng 30 món ăn đặc sản, để chuẩn bị cho Festival Áo bà ba, tôi được ăn toàn món ngon, đặc sản, nào là canh chua, cá rô đồng kho tiêu, bánh mặn... với sự sáng tạo của nghệ nhân thêm chả cá thát lát vào bột, làm nhưn, rồi chả cá thát lát chiên, cuộn rau củ hấp, làm từ chả cá thát lát... Nói chung, hai sản vật từ khóm và cá của Hậu Giang qua bàn tay chế biến của những người dân Hậu Giang, tôi cảm nhận được tình cảm của họ gởi trọn vào từng món ăn, để những người khách như tôi thưởng thức và thấu cảm. Ẩm thực của các bạn thật đa dạng và đặc sắc.

Tìm cách để quảng bá ẩm thực, giúp địa phương thu hút sự quan tâm của du khách là điều nên làm và tôi chắc rằng, các bạn cũng đang dốc sức vì điều này để góp phần đưa Hậu Giang phát triển.

Thưa Ngài, Ngài có nhắc đến Festival Áo bà ba lần đầu tổ chức tại Hậu Giang, có phải đây là nguyên nhân chính để Ngài đến thăm nơi đây ?

- Đúng là như vậy. Qua nhà thiết kế Minh Hạnh, tôi biết tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức sự kiện này vào cuối tháng 9 và tôi muốn tìm hiểu trước nên quyết định nhận lời mời của UBND tỉnh, chị Minh Hạnh để có mặt ở đây. Tôi rất thú vị với các sự kiện văn hóa, bởi đó chính là cách để kết nối con người lại với nhau. Người dân bản xứ ở đâu cũng vậy, luôn tự hào về giá trị văn hóa vùng miền, bởi điều này làm nên giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tôi rất quý khi Hậu Giang đang nỗ lực phát triển giá trị văn hóa bằng sự kiện này, vừa phát huy giá trị trường tồn của chiếc áo bà ba. Đây chắc chắn sẽ là sự kiện đặc sắc, là điểm hẹn dành cho những ai yêu văn hóa truyền thống của dân tộc và người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thưa Ngài, được tham dự buổi họp báo, giới thiệu về Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023, Ngài cảm nhận thế nào về chiếc áo đặc trưng của người phụ nữ Nam bộ nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung ?

- Một trang phục rất đẹp. Tôi đã khoác chiếc áo bà ba dành cho nam để tham dự sự kiện đặc biệt này. Tôi thấy tự hào thay cho các bạn đã có được một trang phục đẹp như thế này. Nhà thiết kế Minh Hạnh có ý tưởng để sử dụng lá khóm, một sản vật địa phương để dệt vải may áo bà ba cho sự kiện, thật quá tuyệt với. Từ sự kiện văn hóa này, tôi tin rằng địa phương sẽ phát huy giá trị kinh tế của cây khóm lên một tầm cao mới. Tôi hy vọng tôi sẽ trở lại, cùng với bạn bè của tôi trong sự kiện sắp tới, để cùng góp chút sức quảng bá nét văn hóa đặc sắc, góp chút sức để Hậu Giang tiếp tục phát triển, vươn tầm, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thưa Ngài, cơ duyên nào đưa đưa Ngài đến với Việt Nam và chọn gắn bó một thời gian rất dài với đất nước hình chữ S ?

- Từ hơn 40 năm trước, khi còn là một cậu bé, tôi đã biết đến hai từ Việt Nam, một đất nước chiến tranh liên miên nhưng đã ngoan cường chiến thắng tất cả để dành độc lập, tự do. Tôi không thôi mơ ước có một ngày được đến đây. Cơ duyên tới khi tôi nhận được học bổng năm 19 tuổi, có thể chọn Italia và Romania, nhưng tôi đã chọn Việt Nam.

Càng tìm hiểu về đất nước các bạn, tôi càng thấy yêu và gắn bó, xem là quê hương thứ hai của mình. Có lẽ, tôi đã tìm được lời giải cho câu hỏi vì sao một dân tộc nhỏ bé lại có một trang sử vẻ vang, tạo ra hàng loạt kỳ tích và hiện nay đang từng bước thắng lợi trên con đường bảo vệ tổ quốc của mình. Với tình yêu Việt Nam trong trái tim mình, tôi đến đất nước các bạn không phải là một người khách mà để trở thành một người như dân bản xứ. Tôi yêu đất nước này. Trong tôi có một phần Việt Nam rất lớn.

Xin trân trọng cảm ơn Ngài !

VĨNH TRÀ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>