Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào Khmer

09/01/2023 | 05:55 GMT+7

Từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, những nhạc cụ, trang phục dân tộc Khmer dành cho sinh hoạt loại hình nghệ thuật Aday đã được trao đến 6 chùa Khmer, tạo điều kiện tốt cho đồng bào Khmer trình diễn loại hình này.

Hỗ trợ nhạc cụ, trang phục giúp cho những buổi sinh hoạt văn nghệ truyền thống của đồng bào thêm đa dạng, chỉn chu và thu hút hơn.

Thiết thực, hiệu quả

Đây là Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

6 chùa Khmer đầu tiên trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy và Châu Thành A vừa được nhận nhạc cụ, trang phục Aday. Một bộ gồm 6 nhạc cụ (trống Aday, đờn cò, gáo, bá nguyệt, sáo trúc và chum), 10 trang phục (dành cho ca sĩ nam, ca sĩ nữ và nhạc công). Đây là sự quan tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc kịp thời, để đồng bào Khmer đủ điều kiện trình diễn loại hình này.

Giai đoạn 2016-2020, nhận thấy đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc, có nguy cơ mai một, bởi rất ít người Khmer trong tỉnh biết, Hậu Giang đã triển khai Đề án Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam bộ. Qua đó, hàng chục lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm học viên là người dân tộc Khmer trên địa bàn. Thấy đủ điều kiện để đề nghị công nhận loại hình văn hóa phi vật thể quốc gia, Hậu Giang tiếp tục hoàn tất hồ sơ và đã được công nhận vào giữa năm 2022. Đây là sự nỗ lực của những người làm văn hóa, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, đã làm sống dậy một loại hình nghệ thuật đặc sắc và đang dần tạo được sức lan tỏa bằng việc tham gia các hội thi, hội diễn trong tỉnh, khu vực.

Tuy nhiên, theo những nghệ nhân kỳ cựu, am hiểu sâu loại hình nghệ thuật này từng đến Hậu Giang truyền nghề, nếu chỉ học hát, mà thiếu nghệ nhân đờn, không có nhạc cụ, sẽ có thể phát huy. Nên Hậu Giang vừa tổ chức tập huấn đờn lẫn ca, đặc biệt quan tâm đến lực lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đầu tư trang phục, nhạc cụ cho đều khắp các nơi, mà chỉ hỗ trợ đầu tư nhạc cụ dân tộc tại Trường Phổ thông DTNT Him Lam; đầu tư một số chương trình nghệ thuật tham gia dự thi cấp khu vực khi có yêu cầu; xây dựng câu lạc bộ hát Aday tại ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ và tổ chức tập luyện định kỳ…

Đến nay, Hậu Giang được hưởng thụ từ Dự án 6, tiếp tục có thêm những điều kiện mới phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình. Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Ông vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Nhà nước, tạo thêm điều kiện để đồng bào dân tộc Khmer phát huy loại hình nghệ thuật Aday nói riêng, các loại hình nghệ thuật khác nói chung. “Chúng tôi sẽ duy trì để tổ truyền dạy, sinh hoạt các loại hình nghệ thuật của dân tộc mình nhiều hơn nữa trong thời gian tới, có thể khai thác hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc, tạo sân chơi, giúp con em đồng bào Khmer biết nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”, ông nói.

Tiếp tục với những việc làm cụ thể...

Để cụ thể hóa các nội dung Dự án 6, giai đoạn 1 (2021-2025), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch 5 năm và từng năm để triển khai thực hiện. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Năm 2022, được bố trí vốn là 218 triệu đồng, chúng tôi đã liên hệ mua nhạc cụ, trang phục, để mua, đảm bảo yêu cầu về chủng loại, chất lượng và chọn 6 điểm chùa tại 3 địa phương. Đề nghị các địa phương thụ hưởng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tập luyện, tạo sân chơi lành mạnh bằng các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer dịp lễ, Tết cổ truyền để phát huy hiệu quả của dự án, tạo điều kiện để đông đảo người dân biết đến loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday”.

Với kế hoạch thực hiện dự án từng năm, từ nay đến năm 2025, Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện với các phần việc, bắt đầu từ năm nay, như khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản truyền thống; bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể; kỹ năng giao tiếp và phục vụ du lịch; kỹ năng phục vụ lưu trí, giữ gìn và phát triển nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống; kỹ năng sản xuất và bán hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ nghiên cứu và phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, đội văn nghệ truyền thống tại các nơi có đồng bào Khmer sinh sống; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp khảo sát tiềm năng, lưa chọn xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng; xây dựng tủ sách cộng đồng; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các ấp có đồng bào dân tộc Khmer…

Tất cả những phần việc đã được xây dựng thành kế hoạch, có phân kỳ thực hiện hàng năm, tiếp tục tạo thêm điều kiện để đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, góp phần vào việc gìn giữ văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, Hậu Giang nói riêng.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>