Venice - “Kinh đô” của nhung lụa

08/11/2022 | 05:29 GMT+7

Nổi danh là thành phố của những kênh đào, ít ai biết thành phố Venice, Italia từng là “kinh đô” của vải nhung thượng hạng được cả giới thời trang yêu thích.

Bí quyết dệt thủ công truyền thống khiến vải nhung ở thành phố Venice hiếm có và đắt đỏ. Nguồn BBC

Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18, Venice là trung tâm của ngành dệt vải nhung - loại vải đắt đỏ, sang trọng vốn được giới quý tộc thời Phục hưng yêu chuộng. Từ một nơi nhập khẩu vải là chủ yếu, nhưng kể từ khi kỹ thuật dệt du nhập vào từ những năm 1300, người dân ở đây là biết quấn tơ, cuộn, cắt chỉ, dệt vải nhung. Kể từ đó, nghề này tiếp tục phát triển và đến những năm 1500, các ghi chép cho thấy có hơn 30.000 cư dân ở Venice, tức là khoảng 1/5 dân số làm việc trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán vải nhung và lụa. Toàn thành phố có khoảng 6.000 khung dệt hoạt động ngày đêm, khách hàng của họ là những quý tộc, vua chúa, các nhân vật giàu có và quyền lực.

Ngày nay chỉ còn lại 1 công ty duy nhất tại Venice và cả Italia sản xuất nhung bằng khung dệt gỗ truyền thống với 7 thợ chính. Tại công ty quy mô gia đình của gia tộc Bevilacque, những người thợ vẫn miệt mài dệt nên từng mét vải nhung bằng những khung dệt vải cỡ lớn có từ năm 1499. Lý do mà xưởng này vẫn giữ nguyên các khung dệt gỗ suốt mấy trăm năm và cách làm vải thủ công phụ thuộc lớn vài bàn tay người thợ là một số chi tiết tưởng chừng đơn giản trên tấm vải không thể tạo ra bằng máy móc hiện đại.

Ngoài ra, xưởng dệt truyền thống còn lưu giữ 3.500 bản thiết kế hoa văn, bản thảo dệt có từ đời tổ tiên cho tới năm 1920, xếp thành từng chồng cao từ dưới đất lên tới trần nhà. Thiết kế và kỹ thuật phức tạp nên các hoa văn trên vải nhung hầu như khó ai sao chép được. Đây còn là một nghề đòi hỏi tỉ mỉ và mất nhiều thời gian bởi mỗi người thợ chỉ có thể làm ra chừng 25cm vải mỗi ngày, kể cả 2, 3 người thợ làm gần 20 năm trong nghề cũng chỉ làm hơn 700m vải mỗi năm.

Gia tộc Bevilacqua giải thích rằng hiện nay nhiều khách hàng lâu năm  cũng không kham nổi chi phí sản xuất thủ công đắt đỏ và tốn thời gian với cách làm truyền thống. Trong khi máy móc có thể làm 6m vải mỗi ngày thì dệt thủ công mất cả tháng còn chi phí lại cao gấp 4 lần. Tuy nhiên, chính vì độ phức tạp, tỉ mỉ và tốn công sức làm ra khiến vải nhung trở thành món hàng đặc biệt còn những người thợ cuối cùng của gia tộc làm vải nhung truyền thống cũng nỗ lực để giữ nghề, cũng là giữ sợi chỉ kết nối hiện tại với kinh thành nhung lụa Venice xưa kia.

T.NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>