Những người đàn ông mặc áo xanh ở sa mạc Sahara

02/11/2021 | 08:08 GMT+7

Ở Mauritania, trang phục của những người đàn ông hay mặc có màu xanh lam đặc trưng, điều này không chỉ xuất phát từ truyền thống lâu đời mà còn bởi loại trang phục này giúp chống lại thời tiết khắc nghiệt vùng sa mạc.

Những người đàn ông mặc daraa màu xanh giữa nắng nóng vùng sa mạc Sahara. Nguồn: BBC

Mauritania là đất nước nằm ở phía Tây châu Phi, phần lớn lãnh thổ bao phủ bởi cát thuộc vùng sa mạc Sahara rộng lớn do đó khí hậu ở đây khô nóng và khắc nghiệt đặc trưng. Dù trải qua hàng trăm năm nhưng một loại trang phục truyền thống có tên gọi là daraa (hay boubou) vẫn được sử dụng rộng rãi. Daraa là một chiếc áo choàng người màu xanh lam nổi bật trên nền cát vàng sa mạc. Nguồn gốc của trang phục này xuất phát từ  những người sống du mục ở sa mạc Sahara. Khi hoạt động trao đổi hàng hóa xuyên sa mạc ngày càng phát triển, daraa trở thành trang phục được nhiều bộ tộc sử dụng như Haalpulaar, Tuareg. Dần dần trang phục này cải tiến thành hình dáng dài, rộng và có tay dài để che nắng. Daraa còn bao gồm cả vải che mặt được cho là để bảo vệ người mặc khỏi cát bay trên sa mạc khi di chuyển bên ngoài. 

Dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng daraa màu xanh vẫn là trang phục không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mauritania. Đây được xem là màu sắc thích hợp để mặc dưới ánh nắng gay gắt và còn tượng trưng cho bầu trời. Ở Mauritania, ngoài trang phục, màu xanh còn tìm thấy ở nhiều công trình kiến trúc và đồ vật khác.

Sắc độ màu xanh và hoa văn thêu trang trí trên trang phục cũng cho thấy vai trò trong xã hội. Nhưng người lao động thường mặc daraa khá đơn giản, bằng vải cotton màu xanh đậm trong khi giới thương gia hay tầng lớp trung lưu trở lên lại thường mặc áo có sắc xanh nhạt hơn rất nhiều, gần với màu trắng. Trên áo choàng cũng xuất hiện các họa tiết thêu màu vàng. Hiện nay có nhiều loại trang phục hiện đại, may sẵn với đa dạng chất liệu nhưng daraa vẫn được sử dụng nhiều ở Mauritania và còn là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thiết kế trang phục khắp thế giới.

T.NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>