Nghề làm giấy tồn tại 500 năm ở Ấn Độ

15/11/2022 | 09:47 GMT+7

Nghề làm giấy ở thị trấn Sanganer, Ấn Độ tồn tại khoảng 500 năm qua vẫn đứng vững dù phải cạnh tranh gắt gao với các loại giấy công nghiệp sản xuất hàng loạt.

Những tờ giấy truyền thống 500 năm làm từ vật liệu tái chế. Nguồn: THE BETTER INDIA

Nghề làm giấy thủ công ở thị trấn Sanganer, bang Rajasthan, Ấn Độ bắt đầu với những nguyên liệu đã bị bỏ đi, vải vụn thừa từ ngành sản xuất đồ may mặc, thời trang, tái chế và biến chúng thành những tờ giấy mới tinh tươm. Anh Nemi Chand Saini, chủ sở hữu và quản lý mỗi công đoạn của quá trình sản xuất giấy ở đây cho biết: Ở đầu vào, nhân viên tự tay lựa kỹ từng bao vải để loại bỏ rác, bụi, các vật không thể sử dụng và làm sạch. Các tấm vải có thể dùng được thì mang đi nghiền nhỏ thành dạng bột, sau đó đưa vào bồn chứa trộn theo tỷ lệ khoảng 90kg nguyên liệu cùng 1.500 lít nước. Công đoạn trộn nguyên liệu trước đây cũng làm thủ công nhưng giờ đã có trợ giúp của máy nhào trộn nên thời gian rút ngắn xuống chỉ còn 1/3 so với trước đây, tức là không đến 2 giờ cho 1 mẻ nguyên liệu.

Công đoạn kế tiếp là biến bột thành tờ giấy, đây là kỹ thuật khó nhất đòi hỏi nhiều năm rèn nghề và chưa có máy móc đưa vào làm thay thế sức người. Hai người nhân công cho hỗn hợp bột giấy lên sàng đều bằng tay để dàn giấy mỏng theo yêu cầu sau đó giữ phẳng và ép vào khuôn. Mỗi tờ giấy được lót kèm một tấm vải để chống dính. Đối với loại giấy đặc biệt có thể cho thêm cánh hoa vào hỗn hợp. Các tờ giấy xếp chồng lên cao dần được chuyển sang ép sạch nước và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trong 2 ngày. Công đoạn cuối cùng là làm phẳng và cắt gọt gọn gàng để cho ra thành phẩm là từng tờ giấy vuông vức.

Giấy làm theo cách này có hình dáng, màu sắc và thiết kế khác biệt, khó trộn lẫn với các dòng giấy công nghiệp, tuy mỗi ngày xưởng của anh Nemi chỉ làm ra khoảng 10.000 tờ nhưng nhu cầu vẫn rất cao, không chỉ dùng trong nước mà còn xuất khẩu khắp nơi trên thế giới để làm giấy lịch, làm sổ, sách, vẽ tranh hoặc làm hộp quà. Người làm giấy tại thị trấn cũng rất tự hào vì loại giấy này làm từ vật liệu bỏ đi, góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm từ ngành công nghiệp hiện đại.

T.NGỌC (Theo Business Insider Today)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>