Giữ nghề đan lồng bắt tôm hùm ở Anh

22/02/2022 | 10:44 GMT+7

Ở hạt Devon và Cornwall, thuộc Anh, nhiều thế hệ ngư dân bắt tôm hùm bằng những chiếc lồng đan thủ công từ nhành thanh liễu. Hiện nay, du lịch cũng được xem là “cứu cánh” để nghề này thoát nguy cơ biến mất.

Chỉ còn 11 nơi làm lồng bắt tôm thủ công ở Devon và Cornwall, Anh. Nguồn: NATIONAL GEOGRAPHIC

Không ai biết nghề đan lồng bắt tôm hùm có từ khi nào, kể cả những ngư dân kỳ cựu. Chỉ biết trước đây hầu như nhà nào cũng có trồng cây thanh liễu, một loại cây bụi và có sức sống mãnh liệt, cành dai và khá chắc. Những nhành cây thu hoạch từ tháng 12 khi lá đã rụng hết, đó cũng là thời điểm biển động, không thể đi bắt hải sản. Một nhóm 2 người có thể làm khoảng 80 chiếc lồng vào mùa Đông và sử dụng chúng trong cả mùa bắt tôm trong năm. Cách đan lồng tùy theo mỗi làng biển mà có chút khác biệt, nhưng cơ bản vẫn có cùng một thiết kế là hình ống, có phần miệng lồng dạng phễu để khi tôm hùm chui vào chúng không thể bò ngược ra ngoài.

Những chiếc lồng bắt tôm làm từ nhành thanh liễu là biểu tượng của nghề bắt hải sản khu vực này. Dù theo thời gian, các công cụ đánh bắt hiện đại từ nhựa, dây nhân tạo dần phát triển và thay thế. Hiệp hội Nghề thủ công và Di sản Vương quốc Anh liệt kê nghề đan lồng bắt tôm vào loại có nguy cơ biến mất rất cao bởi chỉ còn 11 nơi còn duy trì trong cả khu vực.

Những người thợ thủ công còn nhiều quyết tâm hồi sinh di sản này, cũng là để góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa. Theo một thống kê vào năm 2021 của Hiệp hội Bảo tồn biển có trụ sở tại Anh, ước tính trung bình có khoảng 5.000 mảnh nhựa trôi dạt trên mỗi dặm bãi biển ở Anh. Con số này đã giảm so với năm trước đó nhưng vẫn cần có một kế hoạch dài hơi để giảm sản xuất và bán nhựa dùng 1 lần.

Phát triển du lịch đã thổi một luồng sinh khí mới vào nghề thủ công này khi nhu cầu mở các lớp học đan rất cao, phục vụ cho các đoàn du khách muốn tìm hiểu, làm quà tặng. Mặt khác, những ngư dân còn bám nghề vẫn kỳ vọng các phương pháp bắt thủy sản bền vững ngày càng được mọi người quan tâm và lan tỏa thì nghề này có cơ hội hồi sinh dù để làm thủ công vất vả và mất thời gian hơn nhiều so với các vật dụng hiện đại.

T.NGỌC (theo National Geographic)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>