Đường thốt nốt - Món được ví như “thần dược” ở Pakistan

11/05/2022 | 08:24 GMT+7

Ở Pakistan, đường thốt nốt không chỉ là một món tráng miệng ngon lành mà còn được xem như một loại thực phẩm chữa bệnh truyền thống trong hàng thế kỷ.

Làm đường thốt nốt thủ công ở Pakistan. Nguồn: BBC

Từ xưa, làm đường thốt nốt là cách người nông dân ở quốc gia này bảo quản mía, thốt nốt lâu hơn sau khi thu hoạch. Lâu dần, đường thốt nốt được người dân địa phương coi là một trong những món tinh hoa truyền thống cần gìn giữ qua nhiều đời bởi nhiều công dụng hữu ích.

Đường thốt nốt ở Pakistan làm ra từ nước mía trộn nhựa cây thốt nốt (có nơi thay nhựa thốt nốt bằng nhựa cây chà là). Do loại đường truyền thống làm thủ công, không qua tinh chế nên giữ được các loại chất vi lượng có lợi cho sức khỏe có trong nhựa cây. Người dân xem đường thốt nốt là món quà quý từ thiên nhiên mang giá trị kết nối sâu sắc, thường được đem làm quà biếu, tặng cho trẻ em hoặc đãi khách khi uống trà.

Ngành làm đường thốt nốt thủ công khá phát triển thị trấn Charsadda, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Ở đây những người thợ còn tái chế bã mía, sử dụng làm chất đốt quá trình làm đường nên hạn chế được chất thải trong quá trình sản xuất. Đường thốt nốt bày bán nhiều ngoài đường phố hoặc trong chợ từ thành thị tới nông thôn, được chế biến thành các viên ngậm chữa ho, đau bụng hoặc làm nhiều món tráng miệng bên cạnh công dụng chính là gia vị trong các món ăn.

Vị ngọt của đường thốt nốt được xem là khó thay thế bởi đường trắng nên trong hầu hết các món ăn truyền thống ở đây đều sử dụng đường thốt nốt thay vì đường trắng qua tinh chế. Còn những bà nội trợ luôn có niềm tin mãnh liệt vào công dụng chữa bệnh của các loại thực phẩm và một trong những thành phần không thể thiếu trong tủ bếp đó chính là những hũ đựng đầy đường thốt nốt. Hiện nay, ở vùng nông thôn Pakistan, người dân vẫn còn thói quen ăn cơm trắng với đường thốt nốt, dừa và hạt hạnh nhân.

T.NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>