“Chợ” chú rể có truyền thống 700 năm ở Ấn Độ

05/09/2022 | 18:56 GMT+7

Ra đời cách đây hơn 700 năm, “chợ” chú rể ở quận Madhubani, bang Bihar, Ấn Độ hiện vẫn được tổ chức hàng năm, nơi những người giám hộ sẽ lựa chọn cho gia đình nhà gái một chú rể tương lai phù hợp để kết hôn.

Nghi lễ chuẩn bị “chợ” chú rể diễn ra ở bang Bihar, Ấn Độ. Nguồn: ODDITY CENTRAL

Vào tháng 7 hàng năm, có hàng nghìn người tụ tập về dưới tán cây Pipal tại một khu chợ thuộc quận Madhubani tham gia một sự kiện truyền thống kéo dài 9 ngày là “chợ” chú rể, được gọi là Saurath Mela hay Sabhagacchi. Ngày hội truyền thống này tồn tại hơn 700 năm tính từ thời triều đại Karnat, nơi các chú rể có nguyện vọng lấy vợ tham gia và được người giám hộ của gia đình các cô gái (thường là cha hoặc anh trai) đánh giá lựa chọn. Mỗi chú rể được xem xét và tuyển chọn kỹ lưỡng về nghề nghiệp, trình độ học vấn và nền tảng gia đình, các loại giấy tờ chứng minh năng lực. Điều kiện càng tốt đi kèm với một khoản hồi môn càng cao.

Cư dân địa phương cho biết gia đình cô dâu tương lai sẽ bí mật quan sát từ xa, nghe bản lý lịch tóm tắt của các chàng trai và bàn luận trước khi đưa ra quyết định. Theo thống kê, những nghề nghiệp chú rể tương lai được săn đón nhiều nhất là kỹ sư, bác sĩ và công chức nhà nước. Bản thân cô dâu cũng không có tiếng nói mạnh mẽ trong việc lựa chọn chú rể cho mình, bởi người thân trong gia đình là những người đưa ra quyết định sau cùng. 

“Chợ” chú rể Bihar không còn phổ biến như cách đây vài chục năm, do sự phát triển của xã hội, các bậc cha mẹ theo lối sống hiện đại dần ít can thiệp, sắp đặt hôn nhân của con cái. Hơn nữa, còn có nhiều lựa chọn ưu tiên hơn, một trong số đó là các ứng dụng hẹn hò, mai mối trực tuyến ra đời và nở rộ ở Ấn Độ trong thời đại bùng nổ internet như một biện pháp thay thế cho các buổi gặp gỡ trực tiếp… Nhưng ở những ngôi làng xa thành phố, còn mang đậm lối sống truyền thống vẫn quan tâm đến hình thức lựa chọn chú rể như thế này. Vì vậy hàng năm “chợ” chú rể vẫn thu hút sự tham gia của hàng ngàn người, thậm chí có người ở xa hàng trăm kilomet vẫn tới để tìm kiếm cơ hội.

T.NGỌC (tổng hợp từ Oddity central, Al jazeera)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>