Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đóng góp tích cực cho phát triển đất nước
Hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, chào mừng ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, tại Đại sứ quán Việt Nam, Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức buổi gặp 100 trí thức Việt Nam tiêu biểu với sự bảo trợ của Đại sứ quán, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu chúc mừng đại diện Hội trí thức.
Tham dự buổi gặp mặt có Đại sứ Phạm Quang Hiệu; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; cùng 100 trí thức tiêu biểu Việt Nam trên toàn Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Phạm Quang Hiệu đã điểm lại những dấu mốc, chặng đường của nhiều thế hệ người Việt Nam đã lựa chọn Nhật Bản là một điểm đến để học tập, nghiên cứu và phát triển sự nghiệp. Từ phong trào Đông du những năm đầu thế kỷ 20 gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Phan Bội Châu, đến thế hệ lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản du học những năm 1960-1970, trong đó có nhiều người đã đạt được thành công và danh tiếng trên đất nước Nhật Bản, như giáo sư Trần Văn Thọ và nhà phát minh máy thở Chủ tịch Trần Ngọc Phúc của Công ty Metran. Từ năm 2000 đến nay, số lưu học sinh nói chung và cộng đồng người Việt Nam liên tục tăng qua các năm, hiện đạt gần 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ 2 tại Nhật Bản. Trong số này có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ, nhiều người đã học tập, nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản trong suốt 15-20 năm qua, hiện đã và đang có được vị trí quan trọng trong giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử - vi mạch, robotics, nông nghiệp, y tế, kinh tế - luật - xã hội - nhân văn… (nhiều người giữ vị trí là giáo sư, phó giáo sư, quản lý doanh nghiệp, trưởng Lab nghiên cứu).
Cùng với lực lượng trí thức trẻ, doanh nhân khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, trở thành cây cầu nối cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Dù có ở xa đất nước, thành công của cộng đồng người Việt cũng chính là thành công của đất nước Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại sứ hoan nghênh và đánh giá cao tâm huyết cộng đồng trí thức, đặc biệt là Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) cùng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản (VJOIN) đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thu hút đông đảo trí thức, doanh nhân Việt Nam và Nhật Bản tham gia như Vietnam Summit 2019, 2021, các Hội nghị khoa học VANJ, VJSE…
Thành công của các sự kiện trên không thể thiếu những đóng góp thầm lặng, sự nhiệt huyết, tinh thần cống hiến vì khoa học và vì cộng đồng của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản. Đại sứ Phạm Quang Hiệu mong muốn Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cùng cộng đồng trí thức ngày càng có nhiều nghiên cứu, đề xuất và đóng góp ý kiến thiết thực, hiệu quả hơn nữa, làm cầu nối giúp Việt Nam ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giải quyết các bài toán, các yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Buổi gặp mặt đã dành thời gian thảo luận sôi nổi ý kiến đóng góp của giáo sư Trần Văn Thọ cùng với 20 giáo sư, phó giáo sư Việt Nam trong các ngành công nghệ thông tin, vi mạch, vật liệu, y tế, nông nghiệp, kinh tế… hiện đang giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp nước Nhật Bản; 15 chủ tịch, giám đốc, quản lý doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực CNTT, Tài chính - kinh tế - Tư vấn - NPO, Khởi nghiệp kinh doanh…
Đây là sự kiện gặp mặt đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, là dịp để các trí thức toàn Nhật Bản có cơ hội giao lưu, kết nối mạng lưới nghiên cứu khoa học, cập nhật chia sẻ thông tin về các hoạt động nổi bật của mạng lưới trí thức trong thời gian qua, trao đổi các hoạt động hợp tác trong tương lai để hướng tới hình thành một cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năng động, đoàn kết và ngày càng có đóng góp hiệu quả vào hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển đất nước cũng như mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản.
Theo VOV.VN
Gần 1.000 băng rôn, pano, phướn dọc tuyên truyền Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023
Một số đơn vị còn chậm trong triển khai nội dung cho quyển sách chào mừng 20 năm thành lập tỉnh
Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang tổ chức hội thảo tìm giải pháp duy trì sĩ số sinh viên
Chuyên viên Văn phòng HĐND – UBND thành phố Vị Thanh trúng tuyển chức danh Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo
Nhiều tập đoàn nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam
- 7.000 bộ quần áo ở shop 0 đồng
- Thiết thực mừng tuổi 20 của tỉnh nhà
- Cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh
- Lan tỏa phong trào “Nghìn việc tốt”
- Rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện
- Mỹ khẳng định không rút quân khỏi Syria
- Thành phố Ngã Bảy: Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công lập thành tích chào mừng 20 năm thành lập tỉnh
- Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023 diễn ra từ 17-20/5
- Trao học bổng, dụng cụ học tập, tủ sách và khu vui chơi cho thiếu nhi
- Giúp đôi mắt sáng, tuổi già thêm vui
Xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận lòng dân vững chắc
Nêu gương tiếp dân - Lòng tin thêm vững
Chung tay làm đẹp cảnh quan môi trường
Ngài Đại sứ rành tiếng Việt và chuyến trải nghiệm đáng nhớ ở Hậu Giang
Tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Tự hào truyền thống anh hùng Ban Dân y tỉnh Cần Thơ
Lộ biến thành sông !
Nguy cơ mất mùa lúa