Trồng lúa “không dấu chân”

13/03/2024 | 09:52 GMT+7

Thay vì canh tác lúa theo cách truyền thống “tay lấm chân bùn”, giờ đây, cơ giới hóa đã bao trùm lên các khâu từ làm đất, bón phân, tưới tiêu, thu hoạch và cả công nghệ sau thu hoạch. Từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều, chất lượng được nâng lên và tạo nên những cánh đồng “không dấu chân”.

Theo Bộ NN&PTNT, đối với cây lúa, cơ giới hóa trong khâu làm đất đã đạt 100%, khâu thu hoạch đạt mức 95%, khâu chăm sóc và bảo vệ thực vật cũng đạt khoảng 85%, ở khâu gieo sạ và cấy ở mức 70%.

Máy trục, xới đất cho bằng phẳng để gieo sạ lại. Việc làm đất giờ nhanh hơn, hiệu quả hơn chỉ cần một người, một máy thay cho sức trâu bò thủ công trước đây.

Thay vì sạ tay, sạ hàng, giờ đây, bà con nông dân có thêm lựa chọn sạ bằng máy, qua đó giúp giảm lượng giống gieo sạ, nâng cao được hiệu quả trong sản xuất lúa.

Áp dụng phương pháp cấy máy, mật độ giữa các bụi lúa vừa phải, tạo độ thông thoáng. Từ đó, cây lúa không phải cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng nên phát triển khỏe mạnh, giúp giảm được chi phí và lúa ít đổ ngã.

Nông dân đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả các loại drone (thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa).

Máy gặt đập liên hợp đã góp phần giúp cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL đạt 95%. Khi thu hoạch lúa, máy sẽ cắt nguyên cánh đồng, vì thế bà con trong vùng phải làm đồng loạt, không phải như ngày xưa “mạnh ai nấy làm”.

Lúa cắt xong vào bao, được xe chở ra điểm tập kết. Cách làm này tiết kiệm chi phí nhân công mà lại hiệu quả.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, việc canh tác lúa của nông dân giờ nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều mà hiệu quả lại cao. Năm nay, lúa được mùa, được giá, không chỉ nhà nông mà lao động nông thôn cũng có công ăn việc làm. Cơ giới hóa đã thay đổi bộ mặt đồng lúa Hậu Giang.

MỘNG TOÀN - TRUNG QUÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>