Kết quả khởi đầu từ chiến lược “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”

20/09/2022 | 15:47 GMT+7

(HGO) – Gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết cũng như các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác, đây chính là tiền để để hướng tới mục tiêu đưa Hậu Giang trở  thành tỉnh khá của khu vực.

Qua gần nửa nhiệm kỳ, nhiều chủ trương, chiến lược quan trọng đã được Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, lãnh đạo sâu sát và đưa ra những định hướng phục vụ sự phát triển. Trong đó, đáng chú ý là Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: "1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm". Hãy cùng Báo Hậu  Giang điểm lại những kết quả bước đầu của chiến lược quan trọng này thông qua những hình ảnh và thông tin sau…

"1 tâm" đó là ly huyện Châu Thành là trung tâm và động lực trong phát triển trụ cột đô thị và công nghiệp. Đây có thể nói là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. 

"2 tuyến", đó là tuyến giao thông giữa Hậu Giang với Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với tuyến giao thông sắp hình thành đó là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Trần Đề. Trên cơ sở 2 tuyến đó thì xây dựng các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp phát triển dọc theo 2 tuyến.

"3 thành" là nâng tầm và phát triển thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

"4 trụ cột" là Công nghiệp hiện đại, Nông nghiệp sinh thái, Đô thị thông minh, Du lịch chất lượng.

"5 nhiệm vụ trọng tâm": Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các lĩnh vực; cải cách mạnh mẽ hành chính, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

HOÀNG NGUYÊN – TRUNG QUÂN thực hiện

Năm 2004, sau khi được chia tách từ tỉnh Cần Thơ, toàn tỉnh chỉ có 1 cụm công nghiệp (CCN). Sau 18 năm, bản đồ công nghiệp Hậu Giang có 2 khu công nghiệp (KCN) là KCN Sông Hậu - giai đoạn 1 ở huyện Châu Thành co diện tích 290ha, KCN Tân Phú Thạnh ở huyện Châu Thành A có diện tích 200ha và 8 CCN tổng diện tích là 598,05ha. Đến nay các doanh nghiệp trong các khu, CCN đã đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tổng số dự án tại KCN, CCN tập trung là 74 dự án, trong đó có 72 dự án sản xuất kinh doanh và 2 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng với tổng mức đầu tư trong nước là 77.957 tỉ đồng, ngoài nước là 3.802 tỉ đồng. Một trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới đó là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Số dự án toàn tỉnh đến nay là 337 dự án, tổng vốn đầu tư 172.000 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay có 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 75% số doanh nghiệp và tăng 105% số vốn so với cùng kỳ. Năm 2022 tỉnh kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến 30.265ha, với tổng mức đầu tư 48.175 tỉ đồng.

Tỉnh lấy năm 2022 là năm doanh nghiệp với phương châm “sự thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”, vì vậy tỉnh đã lựa chọn chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Với lợi thế vốn có và nhiều tiềm năng mới xuất hiện, Hậu Giang thực sự trở thành điểm đến thành công của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ. Tất cả được đối xử bình đẳng, công bằng trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn.

Sau hơn 18 năm thành lập, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tăng khá nhanh về số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập chỉ có 9 đô thị, đến nay đã có18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt 29%. Nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản đã chọn Hậu Giang làm điểm dừng chân, mở rộng kinh doanh như: Tập đoàn Vingroup, DIC, Cát Tường, Hồng Phát… Tỉnh xác định quan điểm phát triển trong lĩnh vực đô thị theo hướng: Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị đảm bảo tính bền vững, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng chiến lược phát triển đô thị và nhà ở quốc gia; đảm bảo tạo được dòng tiền dương để tái đầu tư phát triển.

Để phục vụ sự phát triển và liên kết vùng cùng cả nước trong sự phát triển, thì hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là quan trọng. Tuyến giao thông giữa Hậu Giang với Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với tuyến giao thông sắp hình thành đó là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Trần Đề, trên cơ sở 2 tuyến đó thì xây dựng các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp phát triển dọc theo 2 tuyến. Để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, ổn định tái định cư, UBND tỉnh Hậu Giang đã sớm thống nhất chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư với tổng kinh phí đầu tư khoảng 246 tỉ đồng.

UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch phát triển 4 trụ cột kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị) giai đoạn 2021- 2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35.556 tỉ đồng. Theo đó, ở trụ cột du lịch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, đó là du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No đi làng khóm nổi tiếng Cầu Đúc, du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công các điểm du lịch ở thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp…

Điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp là nhiều địa phương đã hình thành được vùng lúa chất lượng cao, với tổng diện tích hơn 35.000ha, tập trung ở 3 huyện là Châu Thành A, Vị Thủy và Phụng Hiệp. Hiện tại, UBND tỉnh đã xác định 5 loại nông sản chủ lực, gồm: lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát, lươn đồng; 4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch là khóm, mãng cau xiêm, mít ruột đỏ, cá dày và các nông sản có giá trị cao khác để tập trung đầu tư. Toàn tỉnh có 105 sản phẩm, chủ yếu là những sản phẩm được chế biến từ thủy sản và trái cây được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành trong vùng đã và đang thực hiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đã mang lại những kết quả khởi sắc. Trong ảnh là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang thực hiện ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với 12 lĩnh vực chuyên ngành.

Lãnh đạo tỉnh xác định: Thay đổi bắt đầu từ tư duy, muốn phát triển nhanh phải có đột phá. Do đó Hậu Giang đã lựa chọn 3 đột phá chiến lược, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp. Hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường; hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lơi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Chú trọng triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng.

Với những nỗ lực, quyết tâm và quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Hậu Giang đạt 11%, xếp thứ 8 cả nước, còn hết quý III, tỉnh tiếp tục bứt phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 14,74%, vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Đây là mức tăng cao nhất của tỉnh từ trước đến nay.

 

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>