Hai mươi năm "đòn bẩy" giảm nghèo
Qua 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiều chính sách, các đề án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, cũng như những chính sách đặc thù của tỉnh nhà.
Chi nhánh đã thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng, trong đó có 3 chương trình tín dụng cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của UBND tỉnh Hậu Giang. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng gần 3.300 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 11%, đạt 68% chỉ tiêu kế hoạch giao, với gần 94.000 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng của Chi nhánh được xếp loại tốt; có 8/8 đơn vị phòng giao dịch cấp huyện xếp loại tốt. Về chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, có 2.100/2.164 tổ xếp loại tốt khá (chiếm tỷ lệ 97%), không có tổ xếp loại yếu.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang là hơn 205 tỉ đồng, chiếm 6,2% tổng nguồn vốn, đạt 150% chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2022. Dư nợ đến nay, đạt hơn 178 tỉ đồng với hơn 4.500 khách hàng còn dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 97 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05% trên dư nợ.
Ngân hàng Chính sách Xã hội đã trở thành người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với phương châm hoạt động “Thấu hiểu lòng dân, Tận tâm phục vụ”, thông qua phương thức cho vay tín chấp, cho vay trực tiếp có ủy thác một số phần việc sang các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tự tin trong việc vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Sau 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó, gần gũi hơn với Nhân dân, hội viên, củng cố hoạt động tại cơ sở; giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương, ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Phương thức cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thể hiện tính ưu việt riêng có của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, lồng ghép các chương trình tín dụng với các chương trình, dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.
Thông qua 3 chương trình tín dụng chính sách (Chương trình cho vay hộ nghèo, Chương trình cho vay hộ cận nghèo, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, đã giúp cho gần 330 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn vay, trong đó giúp cho trên 85 nghìn lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trên 40 nghìn hộ thoát cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo.
Các chương trình cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang thực hiện thời gian qua với tổng doanh số cho vay gần 5,8 tỉ đồng với 750 lượt hộ vay vốn; tổng dư nợ hơn 530 triệu đồng, với 81 hộ có dư nợ. Nguồn vốn của chương trình này đã giúp cho 670 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vươn lên vượt qua ngưỡng nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống.
Chương trình tín dụng đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang đã giúp cho trên 41 nghìn lượt khách hàng được tiếp cận vốn vay, doanh số cho vay đạt gần 1.000 tỉ đồng, hiện nay dư nợ là hơn 232 tỉ đồng, với hơn 7.000 khách hàng còn dư nợ.
Cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2; tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên”.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang đã cho vay hộ nghèo về nhà ở đã đạt doanh số cho vay 86 tỉ đồng, với gần 8.272 khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 42 tỉ đồng; dư nợ đến nay đạt 40 tỉ đồng, với gần 2.600 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách này đã giúp xây dựng 8.272 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình cho vay xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ xây dựng được gần 2.600 căn nhà tại các khu vực dân cư vượt lũ được địa phương quy định với số tiền là gần 56 tỉ đồng, hiện nay dư nợ là 34 tỉ đồng với gần 1.800 khách hàng.
Thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, xác định mục tiêu phát triển đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp được mua, thuê hoặc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà để ở. Đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang giải ngân cho vay với số tiền 148 tỉ đồng giúp cho 345 hộ gia đình có nhà ở khang trang, sạch đẹp.
Trong tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai thực hiện chương trình từ năm 2007, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các sở, ngành, các cấp có liên quan tổ chức thực hiện. Nhiều gia đình đã có điều kiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, phục vụ sinh hoạt đảm bảo an toàn, vệ sinh, chất lượng sống được nâng lên. Đặc biệt, Chương trình phát huy hiệu quả tích cực hơn khi giúp người dân có nguồn nước sạch sử dụng trong thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn như hiện nay. Nguồn này thực hiện xây dựng trên 320 nghìn công trình trên 133 nghìn lượt hộ dân vay vốn, hiện dư nợ là 720 tỉ đồng với hơn 48.000 hộ, chiếm tỷ trọng 22% tổng dư nợ.
Đến nay, thực hiện nguồn vốn đối với các cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang cho vay đạt 880 triệu đồng với 11 khách hàng. Nguồn vốn này giúp 11 lượt cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập có thêm điều kiện, nguồn lực để vực dậy sau đại dịch Covid-19 với số tiền 880 triệu đồng.
Chương trình cho vay hỗ trợ vốn sản xuất đối với người có công với cách mạng là chương trình riêng mang tính đặc thù của tỉnh Hậu Giang. Đến nay, chính sách đã hỗ trợ cho trên 1.600 lượt với số tiền gần 72 tỉ đồng cho đối tượng người có công cách mạng; dư nợ đạt trên 44 tỉ đồng với 952 khách hàng còn dư nợ chiếm tỷ trọng 1,35% trên tổng dư nợ.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến hàng chục nghìn lao động từ ngoài tỉnh Hậu Giang đã ồ ạt trở về địa phương, gây áp lực rất lớn về nguồn vốn để tạo việc làm, ổn định đời sống người dân, Chương trình cho vay lao động hồi hương đã kịp thời hỗ trợ cho trên 500 người lao động hồi hương được vay vốn với tổng số tiền gần 25 tỉ đồng.
Chương trình cho vay hộ nghèo là một trong 5 chương trình cho vay đầu tiên theo Nghị định số 78, nhằm tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu đầu tiên trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ là “Giảm tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói”, ngay từ những ngày đầu hoạt động, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tập trung nguồn lực để cho vay đối với hộ nghèo góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói, giảm nghèo và ổn định xã hội. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang đã cho vay trên 214 nghìn lượt hộ nghèo với doanh số cho vay trên 1.700 tỉ đồng. Hiệu quả mang lại là tỷ lệ hộ nghèo theo từng giai đoạn luôn được giảm xuống, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm từ 1% đến 2%. Hiện toàn tỉnh có gần 8.600 hộ nghèo đang vay vốn với dư nợ trên gần 280 tỉ đồng, dư nợ bình quân 32,3 triệu đồng/hộ.
PHẠM DUY KHƯƠNG
- Đẹp thay những tấm lòng Hậu Giang gửi đến đồng bào miền Bắc !
- Diễn tập thành công Chiến đấu xã Hòa An
- Vượt nắng, thắng mưa nối dài cao tốc
- Điểm tin sáng 21-9: Thông tin tình hình tái thiết, khắc phục hậu quả bão lũ ở các địa phương
- Trường Đại học Võ Trường Toản là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hậu Giang
- Thẩm định dự án chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I sử dụng khí Lô B
- Phát hiện kịp thời nhóm thiếu niên lén leo rào vào trường để đánh học sinh vì mâu thuẫn cá nhân
- Nữ võ sĩ Hậu Giang đoạt huy chương vàng boxing toàn quốc
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Gần 1.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ, tầm soát bệnh phong - da liễu
- Trao quyết định quân hàm sĩ quan năm 2024
- Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Hậu Giang tham quan vườn măng cụt trăm tuổi
- Giận quá mất khôn…
- Từ ngày 1-7: VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính