Tìm hiểu pháp luật: Quy định chung Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

19/04/2022 | 07:41 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Hình phạt quản chế được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 43 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt quản chế như sau:

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và Nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.

Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Hỏi: Hình phạt tước một số quyền công dân được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tước một số quyền công dân như sau:

1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Hỏi: Hình phạt tịch thu tài sản được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tịch thu tài sản như sau:

Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.

Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Hỏi: Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội ?

Trả lời: Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các biện pháp tư pháp như sau:

1. Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm:

a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;

c) Bắt buộc chữa bệnh.

2. Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;

c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu;

d) Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Hỏi: Biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau:

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Hỏi: Biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi như sau:

1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>