Tìm hiểu pháp luật: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

30/11/2022 | 05:31 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Pháp lệnh số 02/2022 quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng như thế nào ?

 Đáp: Theo Điều 5 Pháp lệnh số 02 quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng như sau:

1. Các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).

3. Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hỏi: Pháp lệnh số 02/2022 quy định như thế nào về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền ?

 Đáp: Theo Điều 6 của Pháp lệnh quy định mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền như sau:

1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Hỏi: Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng được Pháp lệnh số 02 quy định như thế nào ?

 Đáp: Theo Điều 7 Pháp lệnh số 02 quy định các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng như sau:

1. Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

c) Buộc xin lỗi công khai;

d) Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra;

đ) Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra;

e) Buộc thu hồi thông tin sai sự thật;

g) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật;

h) Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh.

2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hỏi: Biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và nguyên tắc áp dụng được Pháp lệnh số 02/2022 quy định như thế nào ?

 Đáp: Điều 8 Pháp lệnh quy định biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và nguyên tắc áp dụng như sau:

1. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 119 của Luật Xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

a) Tạm giữ người;

b) Áp giải người vi phạm;

c) Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

d) Khám người;

đ) Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

e) Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định tại Điều 120 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>