TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

04/11/2021 | 07:54 GMT+7

 (Tiếp theo)

Hỏi: Cho biết nội dung và trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Điều 21, 23 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định:

- Nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm:

+ Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.

+ Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.

+ Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh.

- Trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm.

+ Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát bệnh truyền nhiễm.

+ Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ sở y tế phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, triển khai vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.

+ Trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm thực hiện việc xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền.

+ Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định chuyên môn kỹ thuật trong giám sát bệnh truyền nhiễm.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ khác khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, nếu phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thì có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong hoạt động giám sát.

Hỏi: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc tổ chức sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế ?

Đáp: Theo Điều 30 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế:

- Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 3 Điều 28 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

- Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:

+ Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này;

+ Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này;

+ Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tùy theo tình hình dịch;

+ Quy định việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này; điều kiện của cơ sở y tế quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này;

+ Quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn để xem xét nguyên nhân khi có tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế.

- Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện việc tiêm chủng, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế trong phạm vi chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế và người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình gây ra tai biến cho người được sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật.

- Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>