TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

02/11/2021 | 07:54 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm những hành vi nào bị nghiêm cấm ?

Đáp: Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định những hành vi bị nghiêm cấm:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định như thế nào về nội dung, đối tượng, yêu cầu về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Theo Điều 9, 10, 11 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định:

- Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

+ Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

+ Nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

+ Hậu quả của bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

+ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Đối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

+ Mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

+ Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

+ Chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, kịp thời.

+ Phù hợp với đối tượng, truyền thống văn hóa, dân tộc, đạo đức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán.

Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm gì trong vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Theo Điều 13 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

- Cơ sở giáo dục phải xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; phòng học phải thông thoáng, đủ ánh sáng; thực phẩm sử dụng trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn.

- Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường.

- Đơn vị y tế của cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh trong cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều này.

Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì về vệ sinh an toàn thực phẩm ?

Đáp: Theo Điều 16  Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Tổ chức, cá nhân trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, buôn bán thực phẩm có trách nhiệm bảo đảm cho thực phẩm không bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và thực hiện các quy định khác của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích