Tìm hiểu pháp luật: Bộ luật Dân sự

30/12/2021 | 08:07 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Quyền định đoạt của chủ sở hữu; quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 194, 195 Bộ luật Dân sự:

 - Quyền định đoạt của chủ sở hữu: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

- Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu: Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

Hỏi: Việc hạn chế quyền định đoạt được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 196 Bộ luật Dân sự quy định:

- Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

- Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

Hỏi: Sở hữu riêng và tài sản thuộc sở hữu riêng được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 205 Bộ luật Dân sự quy định:

- Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.

- Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

Hỏi: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 206 Bộ luật Dân sự quy định:

- Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Hỏi: Thế nào là sở hữu chung theo phần? Sở hữu chung hợp nhất ?

Đáp: Theo Điều 209, 210 Bộ luật Dân sự quy định:

 - Sở hữu chung theo phần:

+ Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

+ Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Sở hữu chung hợp nhất:

+ Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

+ Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích