Tìm hiểu pháp luật: Bộ luật Dân sự

28/12/2021 | 08:00 GMT+7

Hỏi: Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 187, 188 Bộ Luật Dân sự quy định:

- Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản:

+ Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

+ Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

- Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự:

+ Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

+ Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

+ Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Hỏi: Quyền sử dụng là gì? Quyền sử dụng của chủ sở hữu được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 189, 190 Bộ luật Dân sự quy định:

- Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

- Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Hỏi: Quyền định đoạt, điều kiện thực hiện quyền định đoạt được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 192, 193 Bộ luật Dân sự quy định:

- Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

- Điều kiện thực hiện quyền định đoạt: Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.

Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích