Tìm hiểu pháp luật: Bộ luật Dân sự

16/12/2021 | 08:25 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai là gì ?

Đáp: Theo Điều 108 Bộ luật Dân sự quy định:

- Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.

 - Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:

+ Tài sản chưa hình thành;

+ Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.

Hỏi: Thế nào là hoa lợi, lợi tức; vật chính và vật phụ ?

Đáp: Theo Điều 109, 110 Bộ luật Dân sự quy định:

- Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.

- Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

- Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.

- Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hỏi: Vật chia được và vật không chia; vật tiêu hao và vật không tiêu hao được được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 111, 112 Bộ luật Dân sự quy định:

- Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

- Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

- Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.

- Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Hỏi: Thế nào là vật cùng loại, vật đặc định và vật đồng bộ ?

Đáp: Theo Điều 113, 114 Bộ luật Dân sự quy định:

- Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường.

Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.

- Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.

- Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích