Tìm hiểu pháp luật: Bộ luật Dân sự

10/12/2021 | 08:12 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định:

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình ?

Trả lời: Điều 39 Bộ luật Dân sự quy định:

- Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

- Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật Hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.

Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về nơi cư trú của cá nhân; người chưa thành niên; người được giám hộ; vợ, chồng ?

Đáp: Điều 40, 41, 42, 43 Bộ luật Dân sự quy định:

- Nơi cư trú của cá nhân:

+ Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

+ Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

+ Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.

- Nơi cư trú của người chưa thành niên:

+ Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

+ Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

- Nơi cư trú của người được giám hộ:

+ Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.

+ Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

- Nơi cư trú của vợ, chồng:

+ Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

+ Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.

Hỏi: Giám hộ là gì? Pháp luật quy định như thế nào về người được giám hộ; người giám hộ ?

Đáp: Khoản 1 Điều 46, 47, 48 Bộ Luật Dân sự quy định:

- Giám hộ: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

- Người được giám hộ:

+ Người được giám hộ bao gồm: Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

- Người giám hộ:

+ Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.

+ Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

+ Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>