Toàn quốc chi khoảng 23.000 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo

15/01/2023 | 12:23 GMT+7

(HGO) – Ngày 14-1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023. Tham dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.

Năm 2022, 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt mục tiêu đề ra: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67% và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. 3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao cũng đạt và vượt mục tiêu đề ra: đưa trên 142.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38%, tham gia BHTN đạt khoảng 31,1%. Bên cạnh đó, đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người người có công với cách mạng, kinh phí trên 29.000 tỉ đồng. Hơn 8.600 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và khoảng 23.000 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí khoảng 28.000 tỉ đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả quan trọng ngành đã đạt được. Năm 2023, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần “Hiếu nghĩa, bác ái”. Bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cùng với đó, ngành phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề. Hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống. Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục. Tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động…

Thủ tướng Phạm Minh Chính còn yêu cầu ngành lao động – thương binh và xã hội, cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam…

Dịp này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng cờ thi đua cho 16 sở lao động – thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố và 21 đơn vị thuộc có thành tích xuất sắc.

Tin, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>