Tiếp tục thực hiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại và kinh tế tuần hoàn

14/01/2023 | 15:37 GMT+7

(HGO) – Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Hậu Giang có bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh.

Kết thúc năm 2022, giá trị gia tăng (GDP) toàn ngành nông nghiệp cả nước đạt 3,36% và đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 73%; thặng dư thương mại trên 8,5 tỉ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2022 Bộ NN&PTNT đã hoàn thành 100% các đề án và 229/229 nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Năm 2022, mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ được phát triển, nhân rộng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Hậu Giang.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, để đạt được kết quả trên thì một trong những điểm nhấn quan trọng là ngành nông nghiệp cả nước đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.

Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như: gạo, trái cây, thủy sản, gỗ... tại các thị trường trọng điểm; đồng thời các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa cũng được đẩy mạnh với việc phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức cao kỷ lục với hơn 53,2 tỉ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp, nhất là việc “đổi mới tư duy” trong chỉ đạo sản xuất và kinh doanh để vượt qua khó khăn, từ góp phần đưa toàn ngành nông nghiệp cả nước đạt nhiều kết quả khả quan. Phát huy thành tích đạt được, sang năm 2023, toàn ngành nông nghiệp cả nước tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nhất là thực hiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại và mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; cũng như xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp và đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Ngoài ra, thường xuyên đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; trong đó ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh khuyến cáo người dân sản xuất ra cái thị trường cần chứ không sản xuất những gì mình có nhằm đảm bảo tính đầu ra, đồng thời sản xuất gắn với chế biến và chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao thu nhập cho người dân... 

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>