Tăng cường phòng bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản

17/09/2021 | 16:22 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 17-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị ở điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu Hậu Giang, lãnh đạo Sở NN&PTNT, cùng các ngành tỉnh tham dự.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hậu Giang.

Theo đánh giá của Cục Thú y, 8 tháng qua nhờ kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn nên tạo thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, việc tổ chức kiểm tra thực địa, giám sát chủ động, chẩn đoán xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến phát hiện và điều trị bệnh.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương bố trí kinh phí tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, không để lây lan diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 370.000 con gia cầm, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Dịch tả heo châu Phi xảy ra trên 50 địa phương, buộc tiêu hủy trên 93.000 con, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Bệnh lở mồm long móng xảy ra ở 18 tỉnh, tiêu hủy 340 con gia súc. Dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở 51 tỉnh, thành phố, tiêu hủy trên 24.000 con trâu, bò. Riêng bệnh dại khiến 40 người tử vong tại 22 tỉnh, giảm 17 trường hợp so với cùng kỳ. Các dịch bệnh thông thường khác như dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, niu-cát-xơn, gumboro… được phát hiện và kiểm soát tốt, không lây lan thành ổ dịch lớn. Đối với thủy sản, diện tích thiệt hại trong 8 tháng của năm 2021 khoảng 16.253ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ 2020.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu: Cục Thú y bám sát việc thực hiện kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, thủy sản. Nắm tình hình, trên cơ sở giám sát vi-rút để xử lý kịp thời; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập thuốc, vắc-xin phòng bệnh; tổ chức triển khai đầy đủ tiêm vắc-xin và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Cục Chăn nuôi chịu trách nhiệm về an toàn sinh học, chỉ đạo các cơ sở, địa phương, chuẩn bị giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi để chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất mới. Đồng thời, bám sát thực tiễn để có kịch bản duy trì chăn nuôi từ đây đến cuối năm. Tổng cục Thủy sản kết nối cung cầu các sản phẩm tôm, cá tra; phối hợp Cục Thú y tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản. Yêu cầu các địa phương làm tốt khâu thúc đẩy xuất khẩu nông sản; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nắm bắt thông tin, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu. 

Cục Thú y đề nghị thời gian tới, để tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, các địa phương cần tập trung quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Trong đó, có kế hoạch bố trí kinh phí tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm kinh phí tiêm vắc-xin để tiêm phòng tại các địa phương đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao; phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ tình hình thực tế tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021.

Tin, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>