Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: “Mở đến đâu chắc đến đó”

13/10/2021 | 20:07 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 13-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương” theo hình thức truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu tại văn phòng tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội thảo. Cùng chủ trì có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị.

Tại điểm cầu Hậu Giang, dự có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Dịch bệnh đã làm đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do thiếu hụt lao động, đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, cần đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu đến thị trường quốc tế, đưa hàng hóa và nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, phục hồi các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng. Trong khi lại đòi hỏi tất cả đều phải bảo đảm diễn ra an toàn nhất, với chi phí giao dịch thấp nhất có thể, trong một lộ trình phù hợp. Đó là chìa khóa để thực hiện sự chuyển hướng từ chiến lược “không Covid-19” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với một số nguyên tắc xuyên suốt như: bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp.

Đối với các địa phương, ưu tiên cân đối ngân sách địa phương đối ứng với ngân sách trung ương dành cho các gói hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường áp dụng công nghệ số để nâng cao tính minh bạch, tránh hỗ trợ trùng lặp, cắt giảm chi phí giao dịch… Ngoài ra, về y tế, giảm các rủi ro về y tế, bảo đảm an toàn cho người dân để từng bước mở cửa theo tinh thần “mở đến đâu chắc đến đó”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Quan điểm, định hướng mục tiêu của chương trình đó là phục hồi kinh tế - xã hội trên cơ sở thực hiện hiệu quả với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để thích ứng “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: “Phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19. Phục hồi và phát triển kinh tế các địa phương thì trước hết phải kiểm soát dịch bệnh tốt, vẫn phải đảm bảo an toàn khi chưa có được vắc-xin, đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết, trước hết. Các bộ, ngành, địa phương củng cố hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở và sẵn sàng tăng cường y tế lưu động để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất từ cấp cơ sở. Tiếp tục thực hiện công thức “5K + vắc-xin + công nghệ + ý thức người dân”. Ngoài ra, để khôi phục kinh tế thì chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần nghiên cứu thay đổi phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Khôi phục nền kinh tế cần tập trung xây dựng khôi phục thị trường lao động; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thúc đẩy EVFTA... Chính phủ và địa phương cần ngồi lại cùng với doanh nghiệp tìm giải pháp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là thực hiện tốt an sinh xã hội có trọng tâm trọng điểm trên nguyên tắc “không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không để sót đối tượng được thụ hưởng chính sách. Kiểm soát tốt an ninh, an toàn, an dân để ổn định chính trị. Phát huy đại đoàn kết dân tộc để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Tin, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>