Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội

15/09/2021 | 18:48 GMT+7

(HGO) - Chiều ngày 15-9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ (ĐNB) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì hội nghị. Qua đó, nhằm trao đổi, đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và đầu tư của 19 địa phương khu vực phía Nam. Tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tham dự.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị (điểm cầu Hậu Giang).

Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 vùng ĐBSCL hơn 65.713 tỉ đồng, tăng 18,62% so với kế hoạch năm 2021. Ngân sách địa phương chiếm 62%, ngân sách Trung ương chiếm 29%, còn lại là vốn ODA.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tỉnh đã xây dựng các giải pháp để tập trung phục hồi kinh tế từ nay đến cuối năm. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện các nội dung trong các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung quyết liệt triển khai các chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công đạt theo kế hoạch và tiến độ, thời gian từ nay đến cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu kết luận tại hội nghị.

Tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất 2 nội dung với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một là, thông tin cơ chế đầu tư đường cao tốc để tỉnh có chủ động hơn về nguồn vốn đầu tư của tỉnh. Hai là, kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công kể cả nguồn vốn Trung ương, địa phương năm 2021 sang năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định phương châm năm 2021 là đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển. Các tỉnh vùng ĐNB và ĐBSCL có vị trí hết sức quan trọng, đặc biệt là trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp vào sự phát triển, thu ngân sách, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên các tỉnh, thành phố triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách dài gây ra nhiều khó khăn đến đời sống người dân, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của vùng ĐNB và nông nghiệp vùng ĐBSCL đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của hai vùng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của hai vùng trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, trong đó vùng ĐBSCL đạt 4,5% vùng ĐNB đạt 4,58% trong khi cả nước là 5,64%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương, nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng sẵn có của địa phương, hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong rằng các địa phương cần bám sát thực tiễn, tranh thủ nắm bắt cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương sẽ sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, nền kinh tế mau chóng được phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022…

Tin, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>