Hậu Giang chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống lúa Đông xuân và phát triển vườn cây ăn trái

29/09/2023 | 10:10 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 28-9, ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; cùng lãnh đạo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, có buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh về kế hoạch xuống giống vụ lúa Đông xuân 2023-2024 và tình hình sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ông Lê Quốc Doanh (đứng), nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, đề nghị ngành nông nghiệp Hậu Giang cần đẩy mạnh khuyến cáo người dân giảm lượng lúa giống trong gieo sạ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cho vụ lúa Đông xuân đạt thắng lợi trên các mặt trước dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể đến sớm và diễn ra gay gắt trong mùa khô sắp tới tại vùng ĐBSCL; hiện Chi cục TT&BVTV tỉnh đã xây dựng kế hoạch, cũng như dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Đông xuân sắp tới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, vụ lúa Đông xuân sắp tới, nông dân Hậu Giang phấn đấu xuống giống đạt diện tích 74.200ha, giảm khoảng 800ha so với chỉ tiêu Bộ NN&PTNT giao, đồng thời giảm khoảng 1.300ha so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 tuyến đường cao tốc nên diện tích đất trồng lúa của người dân bị thu hồi tương đối lớn, đồng thời khả năng trong năm 2023 này, toàn tỉnh có khoảng 600ha đất trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Lãnh đạo Chi cục TT&BVTV tỉnh Hậu Giang thông tin thời gian dự kiến xuống giống lúa Đông xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh. 

Về lịch thời vụ xuống giống, dự kiến sẽ có 3 đợt, gồm: đợt 1 dự kiến gieo sạ từ ngày 21 đến 27-11 tới, với diện tích khoảng 20.000 tập trung ở huyện Châu Thành A, một số xã ở huyện Vị Thủy và một số xã thường bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn tại huyện Long Mỹ. Đối với đợt 2, dự kiến thời gian xuống giống từ ngày 19 đến 25-12 tới, với diện tích khoảng 50.000ha. Đây được xem là đợt gieo sạ chính tại các địa phương trong tỉnh. Còn đợt 3 dự kiến xuống giống từ ngày 17 đến 23-1-2024 đối với những vùng trũng và vùng thường gieo sạ lúa Thu đông muộn tại huyện Long Mỹ, với diện tích khoảng 4.200ha.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT (đứng) đánh giá cao công tác chủ động chuẩn bị kế hoạch và dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa Đông xuân sắp tới của ngành nông nghiệp Hậu Giang.

Ngoài xây dựng kế hoạch sản xuất và dự kiến khung lịch thời vụ, Chi cục TT&BVTV tỉnh còn đề ra một số giải pháp kỹ thuật trước, trong và sau gieo sạ, đồng thời đưa ra khuyến cáo nông dân chọn canh tác một số loại giống lúa chủ lực của địa phương và theo nhu cầu doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi về đầu ra khi thu hoạch.

Đối với tình hình sản xuất cây ăn trái, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích cây ăn trái là hơn 45.500ha, tập trung một số loại trái cây chủ lực như: mít, sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, chôm chôm, chanh không hạt… Trong đó, có nhiều diện tích cây ăn trái được nhà vườn áp dụng mô hình liên kết sản xuất và mô hình kinh tế tuần hoàn để nâng cao nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Nông dân Hậu Giang dự kiến bắt đầu xuống giống lúa Đông xuân từ ngày 21-27/11 tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, đánh giá cao công tác chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân, cũng như tình hình phát triển vườn cây ăn trái tại Hậu Giang. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cần quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân. Trong đó, trên cây lúa cần tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao và đạt cấp xác nhận trong gieo sạ, cũng như áp dụng giảm lượng lúa giống trong gieo sạ nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo và tăng lợi nhuận cho nông dân. Còn trên cây ăn trái, Hậu Giang quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội làm vườn tỉnh, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái hiệu quả…

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>