Khuyến khích phát triển nhân lực chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh

29/12/2021 | 07:01 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 28-12, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì Hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước về tổng kết Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020” (Đề án 319).

Theo Bộ Y tế, qua 8 năm triển khai Đề án 319, cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra về đào tạo nhân lực cho 5 chuyên ngành khó tuyển là: lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chính sách về đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo đơn đặt hàng, chính sách miễn giảm học phí để khuyến khích sinh viên, học viên chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Gần đây nhất, Chính phủ mới ban hành Nghị định 81 ngày 27-8-2021, vẫn quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên, học viên các trình độ học 1 trong 5 chuyên ngành nêu trên tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của nhà nước. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về đảm bảo nhân lực 5 chuyên ngành khó tuyển tại một số viện, bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện chưa đạt mục tiêu đề án, đặc biệt với 3 chuyên ngành phong, pháp y và giải phẫu bệnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: Những năm qua, công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Số bác sĩ/vạn dân tăng từ 5,88 vào năm 2003 lên 7,34 năm 2013. Trong 8 năm thực hiện đề án 319, các trường đại học y và các địa phương đã có những chính sách khác nhau trong khuyến khích và phát triển nhân lực y tế 5 chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Tuy nhiên, nhân lực y tế phân bổ không đều, đặc biệt nhân lực ở 5 chuyên khoa hiếm vẫn thiếu trầm trọng tại một số địa phương. Các đóng góp về việc triển khai Đề án 319, đã chỉ rõ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện tại địa phương, đơn vị mình. Nhu cầu đào tạo sử dụng nhân lực y tế trong giai đoạn tới. Cùng với đó là các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sử dụng nhân lực 5 ngành khó tuyển. Các ý kiến, đề xuất đều được ghi nhận, cung cấp cho các cơ quan hoạch định chính sách nhằm có sự điều chỉnh chính sách phát triển nhân lực y tế, đề xuất nhu cầu, giải pháp trong giai đoạn 2022-2030.

Tin, ảnh: NHẬT MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>